Malaysia trả lại hàng chục tấn rác thải nhựa cho các nước lớn

Maylaysia đã gửi trả lại 150 container rác thải nhựa cho các quốc gia lớn bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Canada, đồng thời khẳng định nước này sẽ không trở thành “bãi rác thải” của thế giới.

Chú thích ảnh
Rác thải tại một nhà máy tái chế nhựa ở Malaysia. Ảnh: Reuters

Kênh CNN (Mỹ) đưa tin hôm 20/1, Bộ trưởng Mội trường Malaysia Yeo Bee Yon cho biết bà đã ra lệnh trả lại 3.737 tấn rác thải nhựa cho 13 quốc gia. Trong số 150 container rác thải, 43 container được trả lại cho Pháp, 42 container được trả lại cho Anh. Trong khi đó, Mỹ sẽ phải nhận lại 17 container và Canada nhận lại 11 container rác thải. 

“Malaysia không phải là bãi rác của thế giới”, bà Yeo Bee Yon kiên quyết và cho biết thêm rằng các quốc gia chuyển rác đến Malaysia cùng các công ty vận tải phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí gửi trả rác.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin khẳng định nước này sẽ không trở thành "bãi rác thải" của thế giới. Ảnh: AFP

Năm 2018, Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa trong một phần sáng kiến làm sạch môi trường. Động thái ngừng nhập rác thải nhựa của Trung Quốc đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các bên trung gian phải tìm kiếm điểm đến mới cho các lô rác thải của họ, trong đó có Malaysia.

Kể từ đó, Malaysia phải đối mặt với tình trạng ùn ứ rác thải nhựa và bị lầm tưởng là quốc gia buôn bán chất thải bất hợp pháp để trở thành ngành công nghiệp tái chế lớn. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã kiên quyết xóa tan quan điểm này và quyết định trả lại các lô chất thải được nhập khẩu trái phép trước đó. Một báo cáo của tổ chức môi trường Greenpeace gần đây cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, lượng rác thải nhựa xuất khẩu từ Mỹ sang Malaysia đã cao gấp đôi so với năm trước đó.

Tình trạng rác thải tăng đột biến cũng đang diễn ra ở Philippines khiến mối quan hệ của nước này với Canada trở nên căng thẳng hơn vào năm ngoái.

Vào tháng 5/2019, chính phủ của 187 quốc gia, trong đó có cả Malaysia đã đồng ý bổ sung rác thải nhựa vào Công ước Basel - một hiệp ước quy định về việc vận chuyển các vật liệu độc hại từ quốc gia này sang quốc gia khác - để chống lại tác động nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một số quốc gia đã không tham gia vào công ước này, bao gồm Mỹ.

Hải Vân/Báo Tin tức
Hệ thống gom rác thải trên đại dương 'Ocean Cleanup'
Hệ thống gom rác thải trên đại dương 'Ocean Cleanup'

Đây là thiết bị thu gom rác thải nhựa trên biển ở khu vực Đảo rác Thái Bình Dương do doanh nhân 25 tuổi người Hà Lan Boyan Slat phát minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN