Malaysia tập trung tiêm chủng đầy đủ cho toàn dân trước khi tiêm mũi vaccine tăng cường

Ngày 26/8, Bộ Y tế Malaysia cho biết việc tiêm mũi vaccine thứ 3 (mũi tăng cường) cho những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19 không có tác dụng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta nếu toàn bộ người dân chưa tiêm chủng đầy đủ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Sungai Buloh, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận Malaysia đang quan tâm tới vấn đề khi nào tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng. 

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong một phát biểu, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah nêu rõ, thay vì bàn tới việc tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng, thì nên tập trung vào việc tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người dân. Ông cho biết tới khi hoàn tất tiêm chủng đầy đủ cho toàn dân thì việc bàn về tiêm mũi vaccine tăng cường cũng chưa muộn. 

Theo ông Noor Hisham, việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng COVID-19  không có tác dụng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta. Tuy nhiên, để có thể kiềm chế sự lây lan của biến thể Delta thì những người chưa tiêm chủng cần được tiêm chủng đầy đủ bởi vì trước khi tất cả mọi người được an toàn thì mỗi người đều phải được an toàn.

Tính đến hết ngày 25/8, Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 18.792.979 người (tương đương 57,5% dân số), trong đó, 13.842.928 người đã hoàn thành tiêm chủng (tương đương 42,4% dân số). Tốc độ tiêm chủng của Malaysia hiện ở mức trên 400.000 mũi/ngày.

* Tại Mỹ cùng ngày, Thống đốc bang Texas Greg Abbott ban bố sắc lệnh hành chính cấm tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc. Động thái này diễn ra hai ngày sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức cấp phép vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer. 

Sắc lệnh nêu rõ: “Không thực thể chính phủ nào có thể bắt buộc các cá nhân tiêm vaccine ngừa COVID-19”, ngoại trừ những nơi như nhà dưỡng lão và các trung tâm sinh hoạt được bang hỗ trợ. Do vậy, các cơ quan công cộng tại Texas như các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, trường đại học, các trường công và bất kỳ thực thể nào khác hưởng công quỹ, đều bị cấm bắt buộc nhân viên tiêm chủng hoặc yêu cầu người dân sử dụng dịch vụ tiêm chủng của mình để có bằng chứng về tiêm chủng". 

Mặc dù số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại tại bang Texas, song Thống đốc Abbott vẫn phản đối việc tiêm chủng và quy định đeo khẩu trang, cấm các quan chức địa phương ban bố các lệnh cấm này. Tuy nhiên, một vài học khu đã bất tuân sắc lệnh của thống đốc. Đơn cử, giới chức học khu San Antonio Independent ngày 25/8 tuyên bố sẽ thúc đẩy việc áp đặt các biện pháp bắt buộc bất chấp sắc lệnh của thống đốc bang. 

Theo báo cáo của tổ chức truyền thông phi lợi nhuận Texas Tribune, người phát ngôn của ông Abbott, Renae Eze đã xác nhận rằng các doanh nghiệp tư nhân vẫn có thể lựa chọn về tiêm chủng bắt buộc cho nhân viên của mình. Báo cáo cho biết số ca mắc COVID-19 ở bang Texas tiếp tục tăng tới mức chưa từng thấy kể từ đỉnh dịch hồi mùa đông năm ngoái. Theo các cơ quan y tế cấp bang và địa phương, bang Texas ngày 25/8 ghi nhận 23.412 ca mắc mới trong khi tiến độ tiêm chủng của bang này chậm hơn so với các bang khác ở Mỹ, với 46,2% dân chúng đã được tiêm phòng đầy đủ tính tới ngày 23/8.

Hà Ngọc - Minh Châu (TTXVN)
Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19
Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong ngày 26/8, Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN