Nhật báo Sin Chew dẫn lời Quốc vương Malaysia ngày 12/1 cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp từ này tới ngày 1/8 để ngăn chặn đại dịch COVID-19, trong bối cảnh những ngày gần đây số ca mắc bệnh và tử vong mới liên tiếp gia tăng, trong khi hệ thống y tế của Malaysia gần như đã bị quá tải.
Theo nguồn tin trên, trong một thông cáo, Quốc vương Abdullah đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ Malaysia thành lập một ủy ban độc lập để xem xét và đánh giá tình hình đại dịch COVID-19. Ông cho biết thêm nếu diễn biến dịch bệnh có tiến triển khả quan, ủy ban nói trên sẽ đưa ra những khuyến nghị để xem liệu có dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sớm hơn hay không.
Reuters đưa tin hiện chưa biết chính xác việc ban bố tình trạng khẩn cấp chống COVID-19 sẽ ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống tại Malaysia. Tuy nhiên, theo Hiến pháp nước này, Quốc hội sẽ bị đình chỉ hoạt động trong thời gian tình trạng khẩn cấp.
Trước đó, ngày 11/1, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng đã ban bố lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc và phong tỏa 14 ngày đối với thủ đô Kuala Lumpur cùng 5 bang khác trong bối cảnh quốc gia này đang đương đầu với đợt bùng phát các ca mắc mới bệnh COVID-19 có thể khiến hệ thống y tế quá tải.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng đã quyết định triển khai lệnh hạn chế mới trên 50% lãnh thổ, yêu cầu người dân ở nhà, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng, trong khi mọi cơ sở kinh doanh đều ngừng hoạt động. Ông cảnh báo hệ thống y tế của Malaysia đang ở trong tình trạng quá tải.
Giới chức y tế Malaysia cho biết làn sóng lây nhiễm hiện nay bắt đầu từ tháng 9/2020 và số ca mắc mới trong ngày có thể tăng lên mức 8.000 ca/ngày vào tháng 5/2021 nếu không có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Trong bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình, ông Muhyiddin cảnh báo hệ thống y tế quốc gia đang đứng trước nguy cơ quá tải.
Biện pháp phong tỏa tại thủ đô Kuala Lumpur và 5 bang khác sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 13/1, theo đó mọi hoạt động xã hội và đi lại trên cả nước sẽ bị cấm. Các cơ sở kinh doanh trong 5 lĩnh vực kinh tế thiết yếu vẫn có thể hoạt động nhưng phải giảm công suất, bao gồm các nhà máy và cơ sở sản xuất, xây dựng, dịch vụ, thương mại, phân phối và trồng trọt, và lĩnh vực tiêu dùng. Các siêu thị, ngân hàng và cơ sở chăm sóc y tế vẫn mở cửa trong khi các nhà hàng chỉ được phép phục vụ đồ mang đi.
Để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Malaysia dự định tiêm chủng cho khoảng 70% dân số (khoảng 32 triệu người). Theo kế hoạch, lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech, mới được giới chức nước này cấp phép, sẽ được bàn giao vào cuối tháng 2 tới. Trong ngày 11/1, Malaysia thông báo mua thêm 12,2 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, bên cạnh 12,8 triệu liều đã đặt mua trước đó. Malaysia cũng đã đặt hàng với AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng và đang đàm phán với các hãng dược của Nga và Trung Quốc để đặt thêm vaccine.
Sau một thời gian “yên ả”, diễn biến dịch đang hết sức phức tạp tại Malaysia và quốc gia thành viên ASEAN này hiện đối mặt với một làn sóng dịch mới. Những ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong mới vì virus SARS-CoV-2 liên tục gia tăng tại nước này. Tính tới sáng 12/1, tổng số ca mắc COVID-19 và tử vong ở Malaysia đã tăng lên lần lượt 138.224 ca và 555 ca.