Lý do Trung Quốc không muốn bị kéo vào xích mích giữa Pakistan và Ấn Độ

Quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan đang rạn nứt do bất đồng tại Kashmir. Trung Quốc - vốn chủ trương cân bằng quan hệ với Ấn Độ và Pakistan – hiện lưỡng lự không muốn bị lôi vào vụ căng thẳng này.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi cùng tản bộ tại Vũ Hán, Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters

Ngày 26/2, chiến đấu cơ Ấn Độ thả bom vào vùng Balakot bên phía Pakistan, nằm ngay sát LoC - ranh giới phân chia Kashmir làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Ấn Độ khẳng định vụ tấn công này nhằm vào cơ sở huấn luyện khủng bố. Đến ngày 27/2, Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 2 chiến đấu cơ Ấn Độ tại khu vực Kashmir.

Tối 27/2, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và đề nghị Bắc Kinh “đóng vai trò xây dựng trong giảm căng thẳng hiện tại”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về vụ việc, kêu gọi cả Pakistan và Ấn Độ “kiềm chế đồng thời tập trung vào hòa bình và ổn định của khu vực”.

Giữa cuộc xích mích này, Trung Quốc trở thành đối tượng ở “thế khó”. Trung Quốc có đường biên giới giáp với Kashmir, bên cạnh đó là mối quan hệ kinh tế, quân sự và ngoại giao thân thiết với Pakistan. Điểm đáng chú ý khác là trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay với Mỹ, Trung Quốc buộc phải tìm các đối tác thương mại tiềm năng khác và Ấn Độ là một trong những ứng viên hàng đầu. Trong năm 2018, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thăm Trung Quốc 2 lần.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Ảnh: CNN

Trong những năm qua, Trung Quốc đi theo xu hướng cân bằng ngoại giao tại Nam Á, sau một số căng thẳng trong khu vực.

Trong tháng 6/2017, 16 quân nhân Trung Quốc và nhiều công nhân xây dựng đã thi công một con đường qua cao nguyên Doklam nằm tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sự việc này châm ngòi cho 10 tuần căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia hàng xóm đều cử binh sĩ “trông coi” sát sao nhau ở biên giới. Đến ngày 28/8/2017, cả hai quốc gia quyết định rút quân sau các cuộc đàm phán bí mật giữa Bắc Kinh và New Delhi dẫn tới kết quả ngừng thi công con đường tại Doklam.

CNN đánh giá cuộc gặp nồng ấm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong tháng 4/2018 đã góp phần đưa mối quan hệ hai quốc gia trở lại con đường tích cực.

Trong khi đó, Pakistan là bạn hữu lâu năm đồng thời giữ vai trò đối tác thương mại của Bắc Kinh. Pakistan là một trong những khách hàng mua nhiều vũ khí Trung Quốc nhất. Trong thời gian từ 2008-2017, Pakistan đã mua gần 6 tỷ USD vũ khí Trung Quốc.

Ông Steve Tsang tại Viện Trung Quốc ở Đại học SOAS (Anh) cho biết Trung Quốc không đạt được bất cứ lợi ích nào khi Ấn Độ và Pakistan đối đầu.

Kênh CNN đánh giá Trung Quốc không muốn quá ưu tiên ủng hộ Pakistan để rồi Ấn Độ ngả sang Mỹ. Các chuyên gia cho rằng lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc là bắt tay với Mỹ để giảm căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nhà Trắng: 83.000 lao động Mỹ hưởng lợi nhờ các hợp đồng bán máy bay cho Việt Nam
Nhà Trắng: 83.000 lao động Mỹ hưởng lợi nhờ các hợp đồng bán máy bay cho Việt Nam

Trang mạng xã hội Twitter của Nhà Trắng vào ngày 27/2 đã đăng nội dung nhấn mạnh tổng cộng sẽ có 83.000 người lao động Mỹ được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại giữa các hãng hàng không Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN