Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo Vương quốc Anh rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà nước này ký kết với Mỹ không được "gây bất lợi" cho các quốc gia khác. Lời cảnh báo được đưa ra sau khi tờ Telegraph tiết lộ một điều khoản gây tranh cãi trong thỏa thuận, trao cho Mỹ quyền phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Anh, một động thái mà nhiều nhà phê bình cho là tương đương với "quyền phủ quyết".
Theo tiết lộ, thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ có điều khoản nêu rõ cả hai nước "có ý định hợp tác sử dụng hiệu quả các biện pháp bảo đảm đầu tư", một nội dung mà giới phân tích cho rằng có thể được Washington sử dụng để ngăn chặn các vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Anh. Các nguồn tin chính phủ Anh nói với tờ Telegraph rằng Washington có thể "nêu bật" những lo ngại về việc các công ty Trung Quốc mua lại các cơ sở hạ tầng quan trọng của Anh.
Tuy nhiên, quan chức cấp cao Bộ Tài chính Anh Darren Jones tuần trước đã lên tiếng trấn an rằng Mỹ sẽ không có quyền phủ quyết hoàn toàn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Bất chấp những đảm bảo này, Bắc Kinh vẫn bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với các yêu cầu an ninh nghiêm ngặt trong thỏa thuận, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp thép và dược phẩm của Anh. Trung Quốc lo ngại rằng những yêu cầu này có thể đẩy hàng hóa của họ ra khỏi chuỗi cung ứng của Anh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi thông điệp rõ ràng thông qua tờ Financial Times, nhấn mạnh rằng "nguyên tắc cơ bản" là các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia không nên nhằm vào hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các quốc gia thứ ba. "Sự hợp tác giữa các quốc gia không nên được tiến hành chống lại hoặc gây phương hại đến lợi ích của bên thứ ba", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Những bình luận trên đặt Thủ tướng Anh Keir Starmer vào một tình thế khó khăn, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại tiềm ẩn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp thỏa thuận gần đây giữa Washington và Bắc Kinh về việc giảm đáng kể cuộc chiến thuế quan. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Starmer đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ năm của Anh, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 98,4 tỷ bảng Anh vào năm ngoái. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào tháng 12/2024, ông Starmer đã trở thành nhà lãnh đạo Anh đầu tiên trong 6 năm qua gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người sau đó đã đề cập đến việc "mở ra hướng đi mới" trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tháng trước, Trung Quốc cũng đã cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả các quốc gia ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố mạnh mẽ: "Sự xoa dịu không thể mang lại hòa bình, và sự thỏa hiệp không thể nhận được sự tôn trọng. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào đạt được thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó".
Theo các thông tin ban đầu, thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ dự kiến sẽ giảm thuế quan đối với ô tô từ 25% xuống 10%, trong khi thuế đối với thép và nhôm sẽ giảm từ 25% xuống 0%. Tuy nhiên, tờ Telegraph cũng lưu ý rằng việc giảm thuế này có điều kiện là Anh phải "nỗ lực đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Mỹ" về an ninh chuỗi cung ứng và "quyền sở hữu các cơ sở sản xuất có liên quan".
Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc đã trao đổi với tờ Financial Times, bày tỏ quan ngại sâu sắc: "Trung Quốc sẽ cần phải phản ứng – Vương quốc Anh không nên vội vàng đồng ý với thỏa thuận này".
Về phía chính phủ Anh, một phát ngôn viên đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận, khẳng định: "Chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với Mỹ vì lợi ích quốc gia nhằm đảm bảo hàng nghìn việc làm trong các lĩnh vực quan trọng, bảo vệ các doanh nghiệp Anh và đặt nền tảng cho hoạt động thương mại lớn hơn trong tương lai. Theo cách tiếp cận nhất quán và lâu dài của chúng tôi, thương mại và đầu tư với Trung Quốc vẫn quan trọng đối với Vương quốc Anh. Chúng tôi đang tiếp tục tham gia một cách thực tế vào các lĩnh vực có liên quan đến lợi ích của Vương quốc Anh và toàn cầu, đồng thời hợp tác ở những nơi có thể, cạnh tranh ở những nơi cần thiết cũng như thách thức ở những nơi cần thiết".