Lý do khiến Hungary không ủng hộ lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga của EU

Khi Liên minh châu Âu (EU) tìm cách cấm vận dầu mỏ Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, Hungary được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc đạt được sự đồng thuận nội bộ cần thiết từ 27 quốc gia thành viên.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters

Theo tờ Al Jazeera, vào tuần trước, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã đề xuất loại bỏ dần các loại năng lượng từ Nga, với lộ trình 6 tháng đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm đưa châu Âu thoát khỏi phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch của Moskva, đồng thời cắt giảm nguồn thu béo bở tài trợ cho chiến dịch quân sự đang diễn ra tại Ukraine.

Tuy nhiên, Chính phủ Hungary - một trong những chính phủ thân thiện nhất với Moskva trong liên minh châu Âu - khẳng định sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.

Hungary phụ thuộc rất nhiều vào dầu và khí đốt của Nga. Đề xuất tẩy chay dầu Nga của EU được ví như “một quả bom nguyên tử ném xuống nền kinh tế, phá hủy nguồn cung cấp năng lượng ổn định” của nước này. Hôm 9/5,bà von der Leyen đã có chuyến thăm bất ngờ đến thủ đô của Hungary để trao đổi với Thủ tướng Viktor Orban nhằm cứu vãn đề xuất, nhưng họ chưa đạt được thỏa thuận nào.

Phản ứng của Hungary

Chính phủ Hungary khẳng định sẽ ngăn chặn mọi đề xuất trừng phạt của EU nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm vận năng lượng của nước này. Thủ tướng Orban mô tả lệnh cấm vận này là “lằn ranh đỏ” đối với Budapest, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia. Hungary nhập khẩu tới 85% khí đốt tự nhiên và hơn 60% dầu từ Nga.

Ông Orban - một trong những đồng minh EU thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã miễn cưỡng ủng hộ các lệnh trừng phạt trước đây của EU đối với Moskva, bao gồm lệnh cấm vận đối với than đá của Nga. Ông cho rằng những động thái này gây tổn hại cho khối nhiều hơn so với Nga.

Kể từ khi ông Orban lên nắm quyền vào năm 2010, Hungary càng chìm sâu vào phụ thuộc năng lượng Nga. Ông cho biết vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này khiến việc ngừng nhập khẩu dầu của Nga là không thể.

“Chúng tôi đã tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt đối với than đá sẽ ổn vì chúng không ảnh hưởng đến Hungary. Nhưng giờ đây, chúng tôi thực sự đã đạt đến lằn ranh đỏ, một lằn ranh kép, vì lệnh cấm vận dầu khí sẽ hủy hoại đất nước của chúng tôi”, ông Orban nói trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước.

Quốc gia không giáp biển này không có cảng biển để nhận các lô hàng dầu từ các nguồn cung khác. Hơn nữa việc nhập khẩu dầu của Hungary chủ yếu thông qua đường ống. Ông Orban cho biết quá trình chuyển đổi các nhà máy lọc dầu và đường ống của Hungary sang tinh chế dầu từ các nguồn không phải của Nga sẽ mất 5 năm và đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Ông nói rằng điều này sẽ tiếp tục đẩy giá năng lượng lên cao, khiến nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động và nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.

Cơ hội thỏa hiệp

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Duna của Hungary vẫn tiếp nhận dầu thô từ Nga. Ảnh: AFP

Ngoài Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đang kêu gọi thêm thời gian để tuân thủ đề xuất cấm nhập dầu Nga. Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu cho biết họ sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Moskva.

Hôm 10/5, phát ngôn viên của Ủy ban EU, ông Eric Mamer cho biết: “Chúng tôi thừa nhận rằng Hungary và các quốc gia không giáp biển phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung dầu mỏ của Nga. Họ đang trong một tình huống rất cụ thể đòi hỏi chúng tôi phải tìm ra các giải pháp cụ thể ”.

Ông Mamer cho biết Hungary có “những lo ngại chính đáng” về nguồn cung dầu. Ông nói rằng đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga nên áp đặt theo các mốc thời gian khác nhau tương ứng với các tình huống khác nhau của mỗi quốc gia cụ thể. Ông bình luận: “Đó chắc chắn là một trong những thách thức, vì rõ ràng nếu quốc gia đó đang cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, họ cần thời gian”.

Tuy nhiên, ông không nêu rõ những quốc gia nào có thể được miễn trừ thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ Nga hoặc có thể trì hoãn trong bao lâu.

Hôm 9/5, sau cuộc gặp Thủ tướng Orban, bà von der Leyen cho biết cuộc thảo luận rất “hữu ích trong việc rõ các vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt và an ninh năng lượng”. Cuộc trao đổi đã có những tiến triển tích cực song giới chức vẫn cần làm việc thêm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã trao đổi với ông Orban vào ngày 10/5 về sự đảm bảo cần thiết đối với một số quốc gia thành viên EU, như Hungary. Văn phòng Tổng thống Macron cho biết Hungary đang ở trong một tình huống rất đặc biệt liên quan đến nguồn cung dầu từ Nga.

“Quân bài” thương lượng của EU

Theo các chuyên gia, việc ngăn đề xuất trừng phạt Nga có thể được Hungary sử dụng như đòn bẩy trong xung đột riêng giữa Budapest và EU.

EU đã ngừng hỗ trợ khoảng 8 tỷ USD quỹ phục hồi đại dịch COVID-19 cho Hungary vì cáo buộc nước này thiếu sót trong công cuộc chống tham nhũng. Liên minh này cũng đã khởi động quy trình để ngăn hỗ trợ thêm do việc vi phạm các nguyên tắc pháp quyền của khối. Việc kích hoạt cơ chế này được thúc đẩy bởi những lo ngại nghiêm trọng của EC về việc sử dụng ngân sách châu Âu của Hungary, liên quan đến các điều kiện bàn giao hợp đồng công, sự thiếu kiểm soát và minh bạch trong việc sử dụng quỹ. Chính phủ của ông Orban phủ nhận các cáo buộc trên.

Nhưng khi nền kinh tế Hungary đang quay cuồng trong bối cảnh lạm phát cao và thâm hụt ngân sách lớn, nước này đang rất cần khoản ngân sách đó để phục hồi kinh tế. Khi các quan chức EU đàm phán với Hungary để nhận được sự chấp thuận đối với các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga, việc giải phóng các khoản tiền đó có thể đóng vai trò như một “quân bài” thương lượng.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
EU sẵn sàng đền bù tiền mặt nếu Hungary đồng ý trừng phạt dầu mỏ Nga
EU sẵn sàng đền bù tiền mặt nếu Hungary đồng ý trừng phạt dầu mỏ Nga

Brussels có thể trả tiền mặt cho Budapest để nước này từ bỏ năng lượng Nga trong bối cảnh tình cảnh bế tắc của khối về áp đặt các lệnh trừng phạt ngày càng nặng nề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN