Theo kênh Al Jazeera, sáng 14/2, một binh sĩ Israel thiệt mạng và 8 người bị thương khi lực lượng Hezbollah ở Liban tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ ở Safad.
Israel đáp trả bằng một loạt cuộc tấn công vào các ngôi làng trên khắp miền Nam Liban, khiến ít nhất 4 người chết.
Các cuộc tấn công nói trên không phải là mới, nhưng gia tăng sau những nỗ lực của các nhà ngoại giao quốc tế nhằm chấm dứt xung đột dọc biên giới Liban - Israel.
Theo một nhà báo tự do tên là Ramiz Dallah, trong ba đêm qua, các cuộc tấn công đã kéo dài đến 3 giờ sáng.
Israel đã tấn công phần lớn biên giới dài 120 km, còn được gọi là Đường Xanh, bằng các đợt không kích và nã pháo từ ngày 8/10 khi Hezbollah tiến hành các cuộc tấn công Israel để thể hiện đoàn kết với Hamas. Trên 240 người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 22 thường dân.
Các nhà phân tích nhận định với Al Jazeera rằng xét các động thái trước đây của Israel trong xung đột, có thể thấy Israel nỗ lực khiến miền Nam Liban trở thành nơi dân thường không thể ở được nhằm tạo ra vùng đệm an ninh.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, trên 87.000 người đã phải di dời khỏi miền Nam Liban kể từ ngày 8/10. Những người ở lại là người già hoặc những người quá nghèo khó, không có khả năng thuê nhà ở nơi khác. Những người rời đi đang ở trong 18 nơi trú ẩn dành cho người phải di dời ở Liban, còn một số người khác đang ở cùng bạn bè hoặc gia đình.
Chiến lược chiến tranh tổng lực của Israel ở miền Nam Liban đang phát huy tác dụng.
Ông Nadim Houry, Giám đốc điều hành của Sáng kiến Cải cách Arab ở Paris, cho biết miền Nam Liban hoàn toàn là vùng đất cằn cỗi.
Theo ông Houry, trước đây, Israel cũng sẽ ném bom các tòa nhà dù không còn ai bên trong với lý do đây từng là nơi các thành viên Hezbollah sống.
Một số thiệt hại ở miền Nam Liban, ví dụ nền kinh tế bị tàn phá, sẽ có tác động lâu dài hơn.
Nhiều gia đình đã rời đi để bảo vệ con cái. Còn những người ở lại lo lắng rằng một số người đã rời đi có thể không bao giờ quay trở lại miền Nam.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Israel đã sử dụng đạn phốt pho trắng ở miền Nam Liban, gây phá hủy mùa màng và cây cối. Miền Nam Liban có nhiều ô liu và hai tỉnh cực Nam của Liban cung cấp hơn 1/3 lượng dầu ô liu của cả nước.
Ông Houry nói: “Israel muốn vùng đệm này… không chỉ vì các tay súng mà còn để đẩy lùi những người dân thực sự trở lại và khiến nó không thể ở được cũng như không thể canh tác được”.
Ngày 14/2, người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric đã kêu gọi các lực lượng Israel và phong trào Hezbollah ngừng các hành động leo thang bạo lực trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về nguy cơ xung đột lan rộng.
Cùng ngày, Mỹ kêu gọi biện pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng giữa Israel - Liban sau khi Israel tấn công nước láng giềng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng có một con đường ngoại giao phía trước và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao". Bày tỏ lo ngại về sự tình trạng leo thang căng thẳng ở Liban, ông Miller khẳng định một trong những mục tiêu chính của Mỹ là đảm bảo xung đột không lan rộng.
Mỹ và Pháp đang thúc đẩy một kế hoạch với hy vọng giúp Liban không bị cuốn vào cuộc xung đột Hamas - Israel, bao gồm cả việc hỗ trợ cho các lực lượng an ninh của Liban.
Trước đó, ngày 10/2, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo rằng nếu Israel tấn công toàn diện Liban, thì đó sẽ "đặt dấu chấm hết" cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông nói thêm: "Đánh giá của chúng tôi là Israel sẽ không bao giờ có thể chiến đấu trên hai mặt trận". Ông Amir-Abdollahian cũng hối thúc tìm kiếm một giải pháp chính trị để chấm dứt các cuộc tấn công của Israel ở Gaza càng sớm càng tốt.