Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 17/2, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng hơn 76% người Hàn Quốc tin rằng quốc gia này nên phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân của riêng mình để làm công cụ răn đe, trong đó Trung Quốc được coi là thách thức lớn nhất đối với hòa bình trong khu vực nhưng Triều Tiên cũng là một nguyên nhân thường xuyên gây ra mối lo ngại.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, hỗ trợ cho năng lực răn đe hạt nhân độc lập cũng nhận được sự từ nhiều giới chính trị ở Hàn Quốc.
Phe bảo thủ tại nước này khẳng định việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân là cần thiết để chống lại các mối đe dọa, đặc biệt là do sự trỗi dậy của Trung Quốc và yêu sách của nước này đối với các vùng lãnh thổ trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc.
Trong khi đó, Triều Tiên cũng bị cáo buộc là đã đầu tư mạnh vào năng lực hạt nhân và tên lửa tầm xa trong những năm gần đây, với các nhà phân tích dự đoán về một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 8 tại bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên trong những tháng tới.
Những người khác ở Hàn Quốc cũng lo lắng về sự mong manh của liên minh an ninh Mỹ- Hàn vốn đã ràng buộc Washington với Seoul kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950.
Khi còn nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Seoul tăng mạnh số tiền mà họ phải trả để duy trì binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc với lời đe dọa rút lực lượng Mỹ khỏi quốc gia Đông Bắc Á này.
Gần đây, sự nghi ngờ đã nổi lên về cam kết của Washington với liên minh khi xung đột thương mại gia tăng. Mỹ đã có lập trường cứng rắn hơn đối với việc nhập khẩu xe điện của Hàn Quốc và đang chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc.
Theo một số quan điểm, nếu Washington không thể tin cậy về thương mại, thì làm sao Seoul có thể hoàn toàn chắc chắn rằng lực lượng Mỹ sẽ cam dự trong trường hợp có một cuộc tấn công tiềm tàng từ bên ngoài hoặc một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hàn Quốc?
Ngay cả một số chính trị gia cánh tả ở Hàn Quốc đang ủng hộ năng lực hạt nhân của nước này. Họ cho rằng điều đó sẽ cho phép Seoul ít phụ thuộc hơn vào chiếc ô phòng thủ do Mỹ cung cấp, giúp giảm quân nhân Mỹ và đảm bảo rằng người Hàn Quốc tự đưa ra quyết định về các vấn đề an ninh quốc gia.
Được công bố vào ngày 30/1, nghiên cứu mới nhất về thái độ đối với khả năng răn đe hạt nhân trong nước do Viện Nghiên cứu Cao cấp Chey thực hiện, với 60,7% số người được hỏi trong bảng câu hỏi của tổ chức tư vấn nói rằng Hàn Quốc "có nhu cầu" sở hữu vũ khí hạt nhân riêng, cộng thêm 15,9% cho biết khả năng răn đe hạt nhân là "rất cần thiết".
Chỉ 3,1% trong số những người được thăm dò nói rằng Hàn Quốc hoàn toàn không cần vũ khí hạt nhân của riêng mình, trong khi 20,3% khác trả lời rằng "rất ít cần" đối với năng lực răn đe hạt nhân trong nước.
“Tôi cho rằng chúng tôi đang ở trong tình thế mà Trung Quốc đang nổi lên và trở thành một thách thách lớn còn Mỹ đang muốn cạnh tranh với Hàn Quốc. Việc Mỹ không trợ cấp cho xe điện của Hàn Quốc và tìm cách cạnh tranh trong ngành công nghiệp bán dẫn đang khiến Hàn Quốc lo lắng”, Hyobin Lee, Giáo sư chính trị tại Đại học Quốc gia Chungnam, nói.
"Người Hàn Quốc không tin tưởng vào chiếc ô hạt nhân do Mỹ cung cấp. Làm sao chúng tôi có thể tin tưởng ai đó bảo vệ khi họ coi chúng ta như một đối thủ cạnh tranh?", vị Giáo sư trên nêu rõ.
Cuộc tranh luận về tham vọng hạt nhân của Hàn Quốc một lần nữa được khơi dậy bởi một bình luận của Tổng thống Yoon Suk-yeol về các lựa chọn phòng thủ của quốc gia. Vào tháng 1 năm nay, ông Yoon nói rằng nước này có thể cần phải đạt được năng lực hạt nhân hoặc ít nhất là đóng vai trò tích cực hơn trong việc quản lý vũ khí của Mỹ khi được triển khai trở lại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bất kỳ kế hoạch nào về khả năng hạt nhân độc lập chắc chắn sẽ bị các đối thủ trong khu vực của Hàn Quốc, chủ yếu là Triều Tiên và Trung Quốc, lên án như một nỗ lực có chủ ý nhằm gây bất ổn khu vực và có khả năng dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế trả đũa từ Bắc Kinh.