Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, D.C. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Ngày 7/5, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Fed xác nhận các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này đã nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn 4,25 - 4,50%, mức đã được duy trì từ tháng 12/2024.
Ông Powell nói: “Chúng tôi cho rằng cái giá phải trả cho việc tiếp tục chờ đợi và quan sát là khá thấp, nên đó là điều chúng tôi đang thực hiện”.
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) nhận định rằng nguyên nhân khiến Fed chọn hướng đi riêng khác với nhiều ngân hàng trung ương khác là khá rõ ràng. Các nền kinh tế khác không áp đặt những đợt tăng thuế lớn đối với hàng nhập khẩu. Do đó, họ đang trải qua quãng thời gian nhu cầu tiêu dùng giảm và thị trường lao động chững lại. Đổi lại, họ không phải đối mặt với áp lực giá cả gia tăng, điều mà các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể sẽ phải đối phó trong thời gian tới.
Hơn nữa, do nền kinh tế Mỹ vừa trải qua một giai đoạn lạm phát cao, các quan chức Fed cho rằng họ không thể mạo hiểm cắt giảm lãi suất sớm để hỗ trợ thị trường lao động, bởi điều đó tiềm ẩn rủi ro đẩy giá cả leo thang trở lại trong ngắn hạn.
Chính trong ngày 7/5, Fed đánh giá tình hình thị trường lao động Mỹ là "vững chắc", với việc các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 177.000 việc làm trong tháng 4. Với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và nhu cầu ổn định, các quan chức Fed cho biết cơ quan này có thể sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến khi hiểu rõ hơn về hướng đi của nền kinh tế.
Điều này có nhiều khác biệt so với năm 2019, khi Fed cắt giảm lãi suất 3 lần để hỗ trợ nền kinh tế khỏi tâm lý bi quan sau cuộc chiến thương mại đầu tiên của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc.
Kết quả là, Fed đang đi ngược chiều so với các “đồng nghiệp” ở châu Âu, Canada và Anh. Ngày 16/4 vừa qua, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 2,75%, tạm dừng chuỗi cắt giảm lãi suất 7 lần liên tiếp kể từ tháng 6 năm ngoái.
Các nhà đầu tư và nhà kinh tế dự kiến vào ngày 8/5 Ngân hàng Anh sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn, hiện ở mức 4,5%, tối thiểu 0,25 điểm phần trăm. Từ mùa hè năm ngoái đến nay, Ngân hàng Anh đã 3 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.
Ngày 17/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 7 kể từ tháng 6/2024 nhằm hỗ trợ nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng lớn từ thuế quan của Mỹ. Cụ thể, ECB đã giảm lãi suất tiền gửi từ 2,5% xuống còn 2,25%. Đây là ngưỡng trần trong khung 1,75% - 2,25% mà ECB xác định là "trung lập", không thúc đẩy cũng không hạn chế hoạt động kinh tế.
Ông Neil Dutta tại công ty Renaissance Macro Research (Mỹ) đánh giá nền kinh tế châu Âu vốn không mạnh ngay từ đầu, nên họ quan tâm nhiều hơn đến tăng trưởng và chưa phải quá bận tâm đến các rủi ro khác.
Ngay trước khi ECB cắt giảm lãi suất vào tháng trước, Tổng thống Trump đã chỉ trích gay gắt Chủ tịch Fed Powell vì chần chừ trong cắt giảm lãi suất. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Fed nên noi gương ECB.
Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase dự kiến Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Trong khi đó, Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm nay bắt đầu từ tháng 7. Họ cũng cho rằng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất theo mức 0,25 điểm phần trăm cho đến tháng 9. Lạm phát là 2,2% vào tháng 4 đối với khu vực đồng euro. Con số này là 2,3% tại Hoa Kỳ vào tháng 3. ECB và Fed đặt mục tiêu lạm phát là 2%.
Vào tháng 4, lạm phát đối với khu vực Eurozone là 2,2%. Tại Mỹ vào tháng 3 lạm phát được ghi nhận là 2,3%. Cả ECB và Fed đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 2%.
Nhà kinh tế Jan Hatzius tại Goldman Sachs nhận định có khả năng ECB sẽ cắt giảm nhiều hơn dự báo bởi thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu. Điều đó có thể làm giảm lạm phát cơ bản của châu Âu, không tính đến giá thực phẩm và năng lượng biến động, 0,5 điểm phần trăm.
Ông Jan Hatzius nói: “Đó là con số khá khá lớn vì nó thể hiện sự khác biệt giữa việc lạm phát duy trì ở mức xấp xỉ trên 2% và dưới 2% một chút”. Ông dự đoán rằng nếu lạm phát ở châu Âu rơi xuống dưới 2% thì ECB có thể tiến hành thêm đợt cắt giảm.