Thịt bò được bày bán tại một khu chợ ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu trên kênh truyền hình ABC ngày 27/7, khi được hỏi về quyết định nới lỏng nhập khẩu thịt bò Mỹ, Thủ tướng Albanese nói rõ: "Đây là quá trình đánh giá đã được thực hiện 10 năm. Đó không phải là một quyết định chính trị". Ngoài ra, ông Albanese cũng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề đề cập đến điều này trong cuộc điện đàm song phương trước đó.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia cũng giải thích việc nới lỏng quy định xuất phát từ các đánh giá khoa học, chặt chẽ và có tính đến rủi ro.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Brooke Rollins gọi quyết định nới lỏng của Australia là "chiến thắng" cho Tổng thống Trump. Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ từng đề cập đến việc Australia xuất khẩu quá nhiều thịt bò sang Mỹ nhưng không nhập lại tương ứng. Hồi tháng 4, ông Trump cũng nói đến việc này khi cho biết Mỹ bị thâm hụt khoảng 4 tỷ đôla Australia (tương đương 2,62 tỷ USD) trong buôn bán với Australia trong năm ngoái.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc Australia nới lỏng quy định đối với thịt bò Mỹ nhập khẩu cũng sẽ không thúc đẩy ngay các lô hàng từ Mỹ, vì Canberra thực ra đang là nhà cung cấp thịt bò lớn với mức giá cạnh tranh hơn nhiều. Số liệu năm 2024 cho thấy Australia xuất khẩu gần 400.000 tấn thịt bò sang Mỹ và chỉ nhập về khoảng 269 tấn ở chiều ngược lại.
Về tổng kim ngạch chung giữa hai nước, Australia đang thâm hụt với Mỹ nhưng vẫn phải chịu với mức thuế quan 10% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ và 50% đối với thép và nhôm. Hiện hai nước đang nỗ lực đàm phán thuế quan nhưng chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế 200% đối với dược phẩm.