Lý do Anh chuyển hướng can dự tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi rời EU

Ngày 16/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố bản Đánh giá Tích hợp về chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và ngoại giao của Vương quốc Anh. Bản Đánh giá tích hợp này được cho là định hướng chiến lược quan trọng nhất của Vương quốc Anh trong thập kỷ tới, đồng thời xác định tầm nhìn của Nước Anh toàn cầu thời kỳ hậu Brexit.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ James Rogers hiện là Đồng sáng lập và Giám đốc Nghiên cứu Hội đồng Nghiên cứu Địa Chiến lược có trụ sở tại Anh. Ảnh: Hải Vân (Phóng viên thường trú TTXVN tại Vương quốc Anh)

Nổi bật nhất trong Bản Đánh giá, Anh tuyên bố sẽ hướng trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi khu vực này đang ngày càng trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới. Đồng thời, trong tháng 5 năm nay, Vương quốc Anh sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, được đặt theo tên của Nữ hoàng Anh Elizabeth, tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, coi đây là biểu tượng của việc Anh can dự vào khu vực.    

Để làm rõ hơn về các nội dung trong bản Đánh giá Tích hợp của Vương quốc Anh, Phóng viên thường trú TTXVN tại Vương quốc Anh đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ James Rogers, Giám đốc nghiên cứu Hội đồng nghiên cứu về Địa Chiến lược. 

PV: Trong Bản Đánh giá, Vương quốc Anh sẽ hướng trọng tâm chính sách đối ngoại về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nhận định như thế nào về lý do Anh chuyển hướng can dự tới khu vực sau khi rời khỏi EU? 

TS Rogers: Bản Đánh giá đã nhấn mạnh nhiều đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện qua cụm từ Châu Âu - Đại Tây Dương chỉ được đề cập 15 lần, nhưng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đề cập tới 32 lần. Có một số lý do để giải thích tại sao Anh lại đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Và một trong những lý do chính tôi nghĩ rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được xác lập khá rõ ràng là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự trỗi dậy của nhiều quốc gia Đông Nam Á và tất nhiên là Ấn Độ. Vì vậy, khu vực không chỉ trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu mà còn trở thành trung tâm của cạnh tranh địa chính trị toàn cầu và nổi bật với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Bản Đánh giá năm nay có sự khác biệt so với các bản Đánh giá năm 2010 và 2015, trong đó xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị và quân sự. Đó là lý do khác giải thích tại sao khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đặt ở vị trí trung tâm trong bản đánh giá này.

Và cuối cùng tôi cho rằng trong bối cảnh Brexit, mặc dù đó có thể là một lý do bổ sung nhưng tất nhiên là Anh cần phải mở rộng chi nhánh và tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới. Anh muốn tham gia nhiều hơn với ASEAN và cả quan hệ đối tác Thái Bình Dương, cũng như mong muốn đạt được các thỏa thuận thương mại song phương với các nước như Australia, New Zealand và Ấn Độ như thỏa thuận đã đạt được với Nhật Bản vào năm ngoái. Do đó, nếu tập hợp những vấn đề này lại với nhau, có thể lý giải tại sao Anh lại muốn đặt trọng tâm can dự một cách sâu rộng hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã giảm kỷ lục trong tháng 1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

PV: Trong  Bản Đánh giá, Anh cũng tuyên bố sẽ triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực trong tháng 5 năm nay. Ông đánh giá thế nào về động thái này của chính phủ Anh?

TS Rogers: Tàu HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai chuyến hải trình quốc tế đầu tiên tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó sẽ đi qua Địa Trung Hải xuống khu vực Vùng Vịnh và sau đó băng qua Ấn Độ Dương vào Thái Bình Dương thăm một số quốc gia trên đường đi, bao gồm cả Nhật Bản, và có thể một số quốc gia ở Đông Nam Á. Việc khiển khai tàu sân bay tới khu vực là biểu tượng của Anh, thể hiện quyết tâm của Anh trong việc can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Có vài lý do chính khiến việc triển khai tàu có ý nghĩa đối với khu vực. Trước hết, đó là một đóng góp đối với an ninh khu vực đến từ một quốc gia châu Âu, thể hiện về tầm chiến lược của Anh khi có thể triển khai hoạt động từ nửa phía bên kia thế giới. Nó cũng thể hiện cam kết của Anh đối với an ninh tập thể như là một thành phần quan trọng trong đánh giá tổng hợp. Và cuối cùng nó cho thấy quyết tâm của Anh duy trì sự hiện diện tại khu vực, cho thấy rằng đây không chỉ là về việc nước Anh đến và đi, mà đó là sự khởi đầu của quyết tâm can dự vào khu vực. 

PV: Trong các biện pháp can dự vào khu vực, Anh khẳng định mong muốn sẽ trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì an ninh và thịnh vượng tại khu vực, trong đó Anh cam kết tăng cường, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và một số nước ASEAN. Ông nhận định thế nào về cam kết này.

TS Rogers: Tôi nghĩ rằng Anh rất muốn thiết lập các quan hệ mới, đối tác mới với các nước trong khu vực như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore trong những năm tới, khi Anh xoay trục can dự vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mới của nước này. Ngoài khía cạnh an ninh, còn là về kinh tế, khi Anh muốn hợp tác thương mại với các quốc gia trong khu vực, bởi khu vực đang ngày càng phát triển thịnh vượng. Thời gian tới, Anh sẽ thiết lập sự hiện diện tại nhiều khu vực và đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh tế của mình tại các khu vực tăng trưởng, như Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cảm ơn Tiến sĩ James Rogers!

Hải Vân (Phóng viên thường trú TTXVN tại Vương quốc Anh)
Thương mại Anh-EU hậu Brexit sụt giảm mạnh trong tháng 1
Thương mại Anh-EU hậu Brexit sụt giảm mạnh trong tháng 1

Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã giảm kỷ lục trong tháng 1/2021, tháng đầu tiên Anh rời thị trường chung EU sau 47 năm là thành viên của khối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN