Trước đó, các quan chức chức Mỹ cho rằng 5 tàu tuần tra được cho là thuộc IRGC đã tiến đến gần một tàu chở dầu của Anh tại vùng Vịnh ngày 10/7 và yêu cầu tàu này phải dừng ở vùng biển thuộc Iran ngay sát đó, song các tàu này đã phải rút lui sau khi một tàu chiến của London phát tín hiệu cảnh cáo.
Chính phủ Anh cùng ngày cũng cho biết 3 tàu của Iran đã tìm cách "chặn đường" tàu chở dầu Heritage của Anh đi qua Eo biển Hormuz. Tàu khu trục HMS Montrose của Anh đã phải can thiệp đưa ra cảnh báo và các tàu Iran đã rời đi. Chính phủ Anh bày tỏ quan ngại trước hành động này, đồng thời tiếp tục kêu gọi chính quyền Iran giảm căng thẳng trong khu vực.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Sepah của IRGC dẫn tuyên bố của lực lượng này ngày 11/7 khẳng định các tàu tuần tra của IRGC chỉ làm nhiệm vụ thường ngày, đồng thời nêu rõ "trong 24 giờ qua không có bất cứ sự chạm trán nào với các tàu của nước ngoài, kể cả tàu của Anh".
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran không ngừng leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây, một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015 có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thỏa thuận này dựa trên hai cam kết then chốt của Tehran, đó là chỉ làm giàu urani ở cấp độ tối đa 3,67% - vừa đủ để sản xuất năng lượng hạt nhân phục vụ các mục đích hòa bình, và số lượng urani làm giàu ở tỷ lệ thấp này chỉ ở mức tối đa 300 kg. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran và không ngừng gia tăng sức ép với Tehran để buộc Iran trở lại bàn đàm phán để "sửa đổi" thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho là chưa chặt chẽ vì không bao gồm chương trình tên lửa và những ảnh hưởng của Iran trong khu vực.