Theo đải RT, cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev đã bước sang năm thứ ba với việc quân đội Nga báo cáo những thắng lợi mới trước lực lượng Ukraine.
Cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát hoàn toàn Lastochkino, Severnoye và Petrovskoye, những ngôi làng nhỏ nằm ở phía tây và tây bắc thị trấn Avdiivka. Vùng ngoại ô phía bắc của Donetsk này từng là thành trì chính của lực lượng Ukraine và là khu vực tổ chức quan trọng cho các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh vào thành phố do Nga kiểm soát.
Tuần vừa qua chiến sự tại Ukraine được đánh dấu bằng việc tiếp tục xảy ra các hoạt động đối đầu tại nhiều địa điểm dọc theo chiến tuyến, trong đó giao tranh ác liệt nhất xảy ra ở phía tây và tây bắc Donetsk. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Ukraine đã mất gần 7.300 binh sĩ cũng như các loại thiết bị quân sự trong thời gian này, tuy nhiên con số này không được Kiev công nhận và không thể kiểm chứng.
Lực lượng Kiev triển khai lực lượng phương tiện dự trữ lâu nay của họ ra chiến trường, cụ thể là xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp, trong khi Moskva dường như đã tăng cường các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự ở phía sau của Ukraine, như kho dự trữ đạn dược và các điểm tập kết tạm thời.
Dưới đây là những diễn biến chính trong tuần:
Nga tiếp tục tiến về phía Tây ở Donbas
Trong tuần qua, giao tranh mạnh nhất tiếp tục diễn ra ở phía tây bắc Donetsk. Quân đội Ukraine tuyên bố rằng sau khi Avdiivka thất thủ, họ đã rút lui về một “tuyến phòng thủ ổn định” mới giữa các làng Orlovka, Tonenkoye và Berdychi. Tuy nhiên, theo tờ New York Times, Kiev thực sự đã thất bại trong việc tạo ra một phòng tuyến như vậy, và chỉ có những “chiến hào cơ bản” được đào vội trong khu vực.
Theo báo chí Nga đưa tin, các làng Orlovka và Tonenkoye đã nằm dưới sự kiểm soát một phần của quân đội nước này, chỉ còn Berdychi còn nằm trong tay lực lượng Kiev. Quân đội Ukraine đã tích cực điều lực lượng dự bị vào khu vực này để phòng thủ và Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng nhiều cuộc phản công đã bị đẩy lùi hàng ngày ở đó.
Xe tăng Abrams của Ukraina bị phá hủy
Thêm nhiều xe tăng M1 Abrams của Ukraina bị phá hủy ở vùng lân cận làng Berdychi trong tuần qua, một trong số chúng bị bộ binh Nga hạ gục trong khi một chiếc khác bị vô hiệu hóa trong cuộc đấu tay đôi với xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Nga. Tổng số xe bọc thép do Mỹ cung cấp bị phá hủy trong tuần qua là ba chiếc, được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận cũng như qua các đoạn video lan truyền trên mạng.
Hai xe tăng M1 Abrams khác được cho là đã bị hư hại trong chiến đấu, cùng với phương tiện dựa trên nền tảng Abrams là xe tấn công M1150 cũng bị quân đội Nga phá hủy.
Xem video xe tăng M1 Abrams bị phá huỷ (Nguồn: RT)
Các phương tiện do Mỹ sản xuất đã xuất hiện lần đầu tiên trên tiền tuyến vào cuối tháng 2 vừa qua trong bối cảnh Ukraine nỗ lực ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga sau khi Avdiivka thất thủ. Một lô 31 xe tăng M1 Abrams đã được Washington cam kết cung cấp cho Kiev vào đầu năm ngoái, trước cuộc phản công mùa hè của Ukraine.
Nhưng hoạt động chuyển giao hàng chỉ được thực hiện đầy đủ vào giữa tháng 10/2023, khi cuộc phản công thất bại đã rơi vào tình trạng cạn kiệt vũ khí.
Hệ thống HIMARS bị Nga tấn công
Tuần này cũng được đánh dấu bằng sự xuất hiện của đoạn video cho thấy cuộc tấn công của Nga vào bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS. Mặc dù Moskva trước đây tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy các hệ thống do Mỹ cung cấp, nhưng vụ tiêu diệt mới lần đầu tiên được chứng thực bằng một video chất lượng cao quay từ máy bay không người lái.
Bệ phóng HIMARS được cho là đã bị bắn trúng gần thị trấn Dobropolye ở khu vực thuộc Donbas do Ukraine kiểm soát, cách tiền tuyến hơn 40 km. Hệ thống này bị trúng đạn bởi một loại đạn không xác định, làm giá đạn của nó bốc cháy, kích hoạt một vụ phóng tên lửa không kiểm soát, và hệ thống phát nổ.
Xem video hệ thống HIMARS trúng hoả lực của Nga (Nguồn: RT)
Quân đội Nga không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng hệ thống HIMARS nói trên có thể đã bị trúng một tên lửa dẫn đường hệ thống Tornado-S phóng. Hệ thống phóng tên lửa đa nòng, được giới thiệu vào giữa những năm 2010, của Nga có khả năng bắn tên lửa 300 mm ở cự ly ít nhất 70 km.
Nga nã tên lửa chính xác xuống Odessa
Hôm 6/3, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa có độ chính xác cao vào một cơ sở cảng ở thành phố Odessa bên bờ Biển Đen của Ukraine, nhắm mục tiêu là một nhà chứa phương tiện không người lái trên biển (hay xuồng tự lái tấn công tự sát) Các phương tiện không người lái đã nhiều lần được Kiev sử dụng để tấn công các tàu hải quân Nga cũng như Cầu Crimea.
Vụ tấn công xảy ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có mặt tại thành phố Odesa, tiếp đón phái đoàn Hy Lạp do Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis dẫn đầu. Nhà chứa xuồng không người lái nằm ngay trong tầm nhìn của phái đoàn, khiến giới truyền thông đồn đoán rằng đoàn xe của tổng thống mới là mục tiêu thực sự của cuộc tấn công. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị Moskva bác bỏ.
Ukraine tấn công tàu Hạm đội Biển Đen
Cuộc tấn công vào nhà chứa xuồng tấn công tự sát diễn ra ngay sau khi có tin tàu tuần tra hải quân Nga Sergey Kotov bị tấn công, được cho là đã bị nhiều xuồng không người lái tự sát của Ukraine nhắm tới ở gần eo biển Kerch. Tình báo quân đội Ukraine tuyên bố con tàu bị chìm trong cuộc tấn công, nhưng Nga vẫn giữ im lặng về vụ việc, trong khi đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy con tàu bị trúng ít nhất một vụ nổ.
Trong vụ tấn công trên, truyền thông Ukraine và phương Tây cho biết, các xuồng không người lái tự sát của hải quân Ukraine đã đuổi theo tàu hộ tống tên lửa Sergei Kotov của Hạm đội Biển Đen Nga hôm 5/3, gây thiệt hại nặng nề trước khi đánh chìm con tàu 1.700 tấn bên ngoài cảng Feodosiya ở phía đông nam Crimea.
Vụ tập kích của xuồng không người lái Ukraine có tên Sea Baby đã nối dài chuỗi tấn công đáng chú ý của lực lượng hải quân Ukraine không còn nhiều tàu chiến nhưng vẫn tuyên bố phá hủy hàng loạt tàu chiến lớn của Hạm đội Biển Đen.
Xuồng không người lái Sea Baby của Ukraine được đánh giá là ngày càng nguy hiểm. Thay vì cố gắng xâm nhập vào các khu neo đậu của tàu chiến Nga theo số lượng đơn lẻ hoặc theo nhóm nhỏ, các xuồng không người lái do vệ tinh điều khiển tấn công kiểu “bầy sói" vào ban đêm.