Luật sư của CFO Huawei kêu gọi Canada chấm dứt tiến trình dẫn độ

Các luật sư của Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Câu, đã đề nghị Chính phủ Canada can thiệp để chấm dứt tiến trình dẫn độ thân chủ của mình.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong thông cáo báo chí ngày 24/6, đội ngũ pháp lý bảo vệ bà Mạnh Vãn Chu cho biết họ đã gửi thư lên Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti với đề nghị trên. Các luật sư nhấn mạnh tới yếu tố chính trị trong vụ việc này và "cơ sở thực tiễn và pháp lý đối với vụ dẫn độ nữ CEO của Huawei là chưa có tiền lệ trong luật pháp của Canada".

Chú thích ảnh
 Giám đốc Tài chính (CFO) tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Luật pháp Canada quy định Bộ trưởng Tư pháp có thể can thiệp vào bất cứ thời điểm nào để hủy bỏ tiến trình dẫn độ. Cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien đã từng lên tiếng bảo vệ ý tưởng này, cho rằng nó có thể hỗ trợ hai công dân Canada đang bị giam giữ tại Trung Quốc sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị Ottawa bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland bác bỏ đề xuất này và cho rằng đó là một “tiền lệ rất nguy hiểm”.

Ngày 24/6, các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu gồm David Peck, David Martin, Scott Fenton và  Eric Gottardi, đã nêu lại tiền lệ của Ottawa trong việc giữ gìn những giá trị quốc gia, trong đó có tinh thần thượng tôn pháp luật, ngay cả trong tình huống lệch hướng với chính sách đối ngoại của Mỹ: đó là khi Canada từ chối tham gia cuộc chiến tại Iraq năm 2003.

Bà Mạnh Vãn Chu đã bị Mỹ cáo buộc cung cấp thông tin sai lệch cho các ngân hàng nước ngoài về bản chất của mối quan hệ giữa Huawei với Skycom Tech. Co. Ltd. - một doanh nghiệp mà Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng đã bán các thiết bị viễn thông cho Iran. Theo các công tố viên Mỹ, hành động của bà Mạnh Vãn Châu đã đã đẩy các ngân hàng nước ngoài này vào thế vi phạm lệnh trừng phạt của Nhà Trắng đối với Iran.

Về phần mình, các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu phủ nhận cáo buộc về việc thân chủ của mình lừa dối, và cho rằng, ngay cả khi những cáo buộc là sự thật, thì hành vi của bà Mạnh Vãn Chu cũng nằm ngoài thẩm quyền xét xử của hệ thống tư pháp Canada. Theo họ, Canada không phải là một “lực lượng cảnh sát quốc tế”.

Đầu tháng này, Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada đã đồng ý với kế hoạch của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Mạnh Vãn Chu về việc mở phiên xem xét dẫn độ bà sang Mỹ vào ngày 20/1/2020, sau gần 14 tháng kể từ ngày bà bị bắt giữ.

Trong khi đó, quan hệ giữa Canada và Trung Quốc căng thẳng sau khi nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Bắc Kinh đã từ chối lời đề nghị đối thoại với các quan chức hàng đầu của Canada. Ngay sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị Ottawa bắt giữ, Trung Quốc đã tiến hành giam giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc làm gián điệp, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một loạt nông sản Canada, trong đó có hạt cải dầu và thịt lợn.

Hương Giang (TTXVN)
Vụ bắt giữ CFO Huawei ảnh hưởng đến dòng du khách Trung Quốc vào Canada
Vụ bắt giữ CFO Huawei ảnh hưởng đến dòng du khách Trung Quốc vào Canada

Số người Trung Quốc nộp đơn xin visa du lịch Canada trong tháng 1/2019 đã giảm tới gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia về nhập cư, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này một phần do những ảnh hưởng về chính trị từ vụ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị Ottawa bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN