Trong công trình nghiên cứu công bố ngày 20/1, các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Hệ sinh thái thuộc Đại học New South Wales (NSW - Australia) cho biết số lượng loài thú mỏ vịt đã giảm 40% ở bờ biển phía Đông Australia do nạn hạn hán, tình trạng giải phóng mặt bằng, ô nhiễm và xây đập thủy điện, khiến môi trường sống của chúng bị hủy hoại nghiêm trọng.
Nếu các mối đe dọa này không được giải quyết, số lượng thú mỏ vịt có thể sẽ giảm đến mức 47 - 66% trong 50 năm tới. Ngoài ra, nếu tính đến các dự báo hiện nay về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng xấu đi, con số này có thể lên tới 73%.
Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, thú mỏ vịt đang trong tình trạng "sắp bị đe dọa tuyệt chủng". Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Đại học NSW cảnh báo thiệt hại đối với hệ thống sông ngòi do mưa ít và nhiệt độ cao trong nhiều năm qua đã khiến tương lai của loài động vật này càng trở nên u ám hơn.
Các chuyên gia đồng thời nhấn mạnh "nhu cầu cấp thiết" phải tiến hành đánh giá rủi ro cấp quốc gia và thực hiện các biện pháp bảo tồn để giảm thiểu mọi nguy cơ tuyệt chủng của loài này.
Ước tính, số lượng thú mỏ vịt ở Australia đã giảm 50% kể từ khi người châu Âu tới lục địa châu Đại dương định cư cách đây 2 thế kỷ. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu công bố vào tháng 11/2018 cho thấy số lượng thú mỏ vịt đã giảm 30% trong khoảng thời gian này, xuống còn khoảng 200.000 con.
Thú mỏ vịt là một loài động vật có vú bán thủy sinh đặc hữu của miền Đông Australia. Cùng với 4 loài thú lông nhím, thú mỏ vịt là một trong 5 loài thú đơn huyệt còn tồn tại, những loài động vật có vú duy nhất đẻ trứng, thay vì đẻ con. Thú mỏ vịt có hình dạng khá đặc biệt, với chiếc mỏ giống loài vịt, đuôi giống hải ly và bàn chân có màng của loài rái cá.
Nghiên cứu của Đại học NSW được đưa ra trong bối cảnh các vụ cháy rừng đang tàn phá các khu vực rộng lớn ở miền Đông Australia do hạn hán và nhiệt độ tăng cao kỷ lục.