Lo vũ khí rơi vào thị trường đen, quân đội Mỹ cử thanh tra tới Ukraine

Các nhân viên quân sự Mỹ đang ở Ukraine để giúp theo dõi số vũ khí và thiết bị trị giá hàng tỷ đô la mà Mỹ đã gửi đến kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột giữa Ukraine và Nga.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine và súng phóng lựu của Mỹ trong một cuộc tập trận hồi đầu tháng 2. Ảnh: Shutterstock

Theo kênh NBC News ngày 1/11, nhóm thanh tra do Chuẩn tướng Garrick Harmon, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Ukraine, chỉ đạo. Các cuộc thanh tra đã bắt đầu với sự giúp đỡ của nhân sự tại Văn phòng Hợp tác Quốc phòng – người đã trở lại Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine. Mỹ đã tiến hành các cuộc kiểm tra viện trợ tương tự trước xung đột ở Ukraine, nhưng đã dừng lại trong nhiều tháng sau khi Nga đưa quân vào đây.

Thông tin trên do một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đưa ra. Ông này cho biết thêm rằng phía Ukraine đã rất minh bạch và đang hỗ trợ các cuộc thanh tra.

NBC News chưa xác nhận có bao nhiêu thành viên quân đội Mỹ ở Ukraine để thực hiện các cuộc thanh tra, cũng như số lượng cuộc thanh tra mà họ đã hoàn thành hoặc khi nào chương trình được khởi động lại.

Ngoài lực lượng vệ binh được bố trí tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev, các thanh tra này ở Ukraine dường như là một số thành viên đầu tiên của quân đội Mỹ tái nhập cảnh Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Trước đó, Lầu Năm Góc đã ra lệnh binh sĩ Mỹ ở Ukraine rời đi trước ngày 14/2, tức 10 ngày trước khi Nga đưa quân vào.

Các cuộc thanh tra ở Ukraine diễn ra sau khi Nga và một số thành viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ nói rằng vũ khí và thiết bị quân sự được gửi đến Ukraine có thể đã được đưa ra thị trường chợ đen.

Để bác bỏ những lo ngại này, vào tuần trước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một kế hoạch nhằm theo dõi chặt chẽ hơn các khoản viện trợ cho Ukraine.

Quan chức quốc phòng nói trên cho biết Mỹ chưa thấy bằng chứng nào về việc vũ khí được đưa ra thị trường chợ đen hoặc được sử dụng cho mục đích nào khác ngoài mục đích ban đầu, nhưng Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn nhận thức được những rủi ro đó và đang nỗ lực ngăn chặn.

Bản kế hoạch của Bộ Ngoại giao cho biết: Cho đến nay, quân đội và lực lượng an ninh Ukraine có nhu cầu cao về sử dụng vũ khí trên chiến trường và điều này đang ngăn chặn phổ biến vũ khí cỡ nhỏ và vũ khí bộ binh dẫn đường trên thị trường chợ đen.

Tuy nhiên, có một số lo ngại về khả năng Nga thu giữ được các hệ thống vũ khí của Mỹ. Chính quyền Mỹ cho rằng các lực lượng thân Nga có thể chuyển vũ khí của Ukraine và vũ khí được tặng ra ngoài.

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn: "Nga có thể cũng sẽ sử dụng những vũ khí này để phát triển các biện pháp đối phó, tuyên truyền hoặc tiến hành các hoạt động bí mật”.

Phía Mỹ ghi nhận hai loại vũ khí cụ thể đã trở nên đặc biệt phổ biến ở Ukraine trong xung đột hiện nay và là những lĩnh vực cần quan tâm. Đó là các hệ thống phòng không di động, như tên lửa phòng không Stinger do Mỹ cung cấp, và tên lửa dẫn đường chiến thuật chống tăng/đa năng, như tên lửa Javelin cũng do Mỹ gửi tới.

Để bác bỏ khả năng thất thoát vũ khí, chính quyền Mỹ đã vạch ra một số hành động mà họ dự định thực hiện. Một số hành động sẽ bắt đầu vào năm nay và một số khác sẽ bắt đầu vào năm 2023 và 2024.

Trong khi đó, mục đích của Ukraine là tăng cường an ninh biên giới để phát hiện vận chuyển trái phép vũ khí, điều tra thêm những kẻ buôn bán vũ khí bị nghi ngờ, tăng cường đào tạo cho lính gác và thanh tra, đảm bảo tiêu hủy vũ khí và đạn dược được tìm thấy. Các quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Kiev sẽ hỗ trợ Ukraine trong theo dõi vũ khí. Tuy nhiên, phía Mỹ thừa nhận rằng môi trường xung đột có thể gây khó khăn cho việc này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một tuyên bố tuần trước: “Chính phủ Ukraine đã cam kết bảo vệ một cách thích hợp và chịu trách nhiệm về các thiết bị quốc phòng đã được chuyển giao. Như trong bất kỳ cuộc xung đột nào, chúng tôi vẫn cảnh giác với khả năng các phần tử tội phạm và nhân tố phi nhà nước có thể cố gắng thu mua bất hợp pháp vũ khí từ các nguồn ở Ukraine”.

Chú thích ảnh
Đạn dược, vũ khí và các thiết bị khác viện trợ cho Ukraine. Ảnh: DVIDS

Trước những cáo buộc tương tự hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov bác bỏ thông tin cho rằng vũ khí viện trợ đang bị đưa ra thị trường chợ đen. Mặc dù thừa nhận rằng Ukraine có thể làm nhiều hơn nữa để theo dõi chặt chẽ hơn các vũ khí đang đổ vào nước này, nhưng ông Reznikov nói rằng những cáo buộc này là vô căn cứ.

Ông Reznikov nói với Financial Times: “Chúng tôi cần phải tồn tại. Chúng tôi không có lý do gì để buôn lậu vũ khí ra khỏi Ukraine”.

Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn và các nghị sĩ Cộng hòa Mỹ như John Kennedy ở bang Louisiana và Rand Paul ở Kentucky đã tuyên bố rằng cần giám sát nhiều hơn.

Ngay sau cuộc phỏng vấn của ông Reznikov, cơ quan thực thi pháp luật châu Âu Europol cảnh báo hoạt động buôn lậu vũ khí có thể gia tăng vì vũ khí và chất nổ đang có rất nhiều ở Ukraine. Mối đe dọa này thậm chí có thể cao hơn sau khi xung đột kết thúc.

Theo Cơ quan Điều tra Quốc gia Phần Lan (NBI) ngày 31/10, vũ khí viện trợ cho Ukraine có thể đã được chuyển đến Phần Lan và cuối cùng rơi vào tay giới tội phạm ngầm. Giám đốc NBI Christer Ahlgren cho biết các tuyến đường buôn lậu vũ khí từ Ukraine đến Phần Lan đã được thiết lập. Ông Ahlgren lưu ý vũ khí được gửi đến Ukraine cũng đã được phát hiện ở Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan.

Thùy Dương/Báo Tin tức
EU giúp Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại do xung đột
EU giúp Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại do xung đột

Liên minh châu Âu đã trấn an Ukraine nhân chuyến thăm của Ủy viên Năng lượng EU đến quốc gia đang bị xung đột tàn phá này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN