Các thị trường tài chính thế giới đồng loạt có những phản ứng tiêu cực trong bối cảnh hạn chót để Mỹ nâng mức trần nợ công nếu không muốn bị vỡ nợ (2/8) đang đến gần.
Chỉ số chứng khoán Dow Jones mất gần 200 điểm. Ảnh: AFP-TTXVN |
Kết thúc phiên giao dịch 27/7 tại Mỹ, chỉ số chứng khoán Dow Jones mất gần 200 điểm, tương đương 1,6% và đóng cửa ở mức 12.302,55 điểm. Đây là phiên mất điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số này. Trong suốt thời gian qua, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) luôn lo ngại về ảnh hưởng của thảm cảnh vỡ nợ với nền kinh tế Mỹ. Sau phiên chứng khoán Mỹ lao dốc, các TTCK châu Á phiên 28/7 cũng lần lượt "đổ" theo; trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm 1,45%, chứng khoán Ôxtrâylia giảm 1,63%.
Sang phiên 28/7, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ nhờ những số liệu về thất nghiệp ở nước này thấp hơn dự đoán và thị trường bất động sản tăng. Tại châu Âu, tất cả các chỉ số chứng khoán đều giảm, ngoại trừ FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,05%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua so với đồng yên, xuống gần mức thấp nhất so với đồng franc Thuỵ Sĩ và mức thấp nhất trong 28 năm qua so với đồng đôla Ôxtrâylia.
Trong khi đó, thế giới đang hồi hộp chờ đợi cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ về kế hoạch do Chủ tịch Hạ viện John Boehner đề xuất. Theo đó, sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách theo hai giai đoạn, giai đoạn đầu sẽ giảm 1.200 tỷ USD trong vòng 10 năm. Song song với đề xuất của phe Cộng hòa, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid cũng có đề xuất riêng của mình với kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách 2.700 tỷ USD trong 10 năm tới và mức trần nợ công được nâng đến năm 2013.
Giới phân tích nhận định, đề xuất của cả ông Boehner và Reid đều có nhiều điểm chủ chốt giống nhau và chỉ khác nhau ở thời gian nâng mức trần nợ công.
Nghị sĩ Max Baucus thuộc Ủy ban tài chính Thượng viện nhận định, các nghị sĩ sẽ chỉnh sửa đề xuất của ông Reid để phe Cộng hòa dễ chấp nhận hơn.
Minh Đức