Lỗ hổng an ninh tại châu Âu

Các vụ tấn công trắng trợn, xảy ra dồn dập thời gian qua tại nhiều thành phố lớn của châu Âu như Paris, Nice (Pháp), Brussels (Bỉ), Munich, Frankfurt (Đức) đã phơi bày những lỗ hổng an ninh của châu Âu, đồng thời cho thấy châu Âu là một mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố.

Cảnh sát tuần tra tại Hanover, Đức. Ảnh: Handelsblatt


Cuộc điều tra về các vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Pháp và ngày 2/3/2016 tại Bỉ càng tiến triển, người ta càng nhận thấy rõ những lỗ hổng này. Một trong những nguyên nhân là do Liên minh châu Âu (EU) chưa có một chính sách an ninh chung và thiếu sự hợp tác chặt chẽ nhằm phát huy hiệu quả các công cụ sẵn có.

Khủng bố đội lốt người di cư

Nhân kỷ niệm một năm vụ thảm sát tại Paris ngày 13/11/2015, Trung tâm phân tích hoạt động khủng bố (CAT) đã cung cấp tài liệu giúp nhà chức trách Pháp hình dung được con đường xâm nhập vào châu Âu của các phiến quân thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng để thực hiện loạt vụ tấn công liên hoàn cách đây một năm.

Theo tài liệu của CAT, ngày 1/8/2015, Abdelhamid Abaaoud, kẻ điều phối các vụ tấn công tại Paris, là đối tượng đầu tiên đã lọt được vào không gian Schengen thông qua con đường người di cư. Với giấy tờ giả, tên này đã theo tuyến đường Balkan đến Hungary - điểm trung chuyển, quá cảnh của người tị nạn - trước khi đến được Brussels, để rồi sau đó tự do đi lại giữa các nước châu Âu. Trong khi đó, Salah Abdeslam - kẻ được cho là đóng vai trò đầu não, đang giữ nhiều bí mật quan trọng về công tác tổ chức loạt vụ tấn công tại Paris - đã thực hiện ít nhất ba chuyến đi về giữa Brussels và thủ đô Budapest của Hungary bằng ô tô để đưa 7 tên khủng bố thánh chiến từ Syria quay lại châu Âu và 3 đối tượng khác từ thành phố Ulm - cứ địa của Hồi giáo cực đoan tại Đức - đến Brussels. Các đối tượng này sau đó đã gây dựng lực lượng và lập hang ổ khủng bố ngay giữa lòng châu Âu. Qua các dấu vết này, có thể thấy Hungary chính là cửa ngõ để những kẻ khủng bố xâm nhập vào không gian Schengen, chứ không phải Hy Lạp như nhận định trước đó của các cơ quan chức năng.

Những kẽ hở an ninh do quy chế tự do đi lại, không có kiểm soát biên giới giữa các quốc gia Schengen đã được những kẻ khủng bố khai thác triệt để bằng cách trà trộn vào dòng người di cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo từ Trung Đông và châu Phi.

Hợp tác lỏng lẻo

Các vụ khủng bố đẫm máu trong lòng châu Âu cũng cho thấy hợp tác và trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên EU về các đối tượng nghi vấn và hồ sơ tội phạm còn lỏng lẻo và không hiệu quả. Cho đến nay, việc đảm bảo an ninh vẫn là cuộc chiến đơn lẻ của từng quốc gia dù châu Âu đã có khá nhiều công cụ nhằm triển khai các hành động tập thể vì mục tiêu an ninh chung.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) và Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo (trái) tại lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 13/11/2015 ở thủ đô Paris. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong số những cấu trúc an ninh tầm khu vực phải kể đến Hệ thống thông tin Schengen (SIS), nơi lưu trữ các dữ liệu sinh trắc học của các đối tượng đã bị kiểm tra tại biên giới EU; Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) với vũ khí chính là các lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu; Hệ thống dữ liệu hành khách hàng không (PNR) giúp phát hiện những đối tượng khả nghi; Lực lượng biên phòng và tuần duyên châu Âu (Frontex) nhằm đảm bảo an ninh biên giới; và Cơ quan Tư pháp châu Âu (Eurojust) có nhiệm vụ điều tra các phần tử khủng bố… Bên cạnh đó còn có rất nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan tình báo của các nước thành viên EU.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phối hợp và vận hành của các cơ chế nêu trên chưa thực sự hiệu quả. Theo các chuyên gia, một trong những chìa khóa cho cuộc chiến chống khủng bố là chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, thông tin tình báo là một công cụ thuộc chủ quyền quốc gia, vì thế các nước không sẵn sàng chia sẻ, hoặc chia sẻ một cách rất hạn chế. Các cơ quan tình báo cũng không muốn chia sẻ nguồn thông tin và phương pháp phân tích. Vì thế, một hệ thống hạ tầng thông tin chống khủng bố ở phạm vi châu lục chưa được xây dựng. Đơn cử, một định nghĩa chung về "nghi can khủng bố" cũng chưa được xác định và thống nhất, vì thế rất khó để có thể duy trì đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu. Đây chính là những rào cản hạn chế hiệu quả của việc hợp tác giữa các nước trong EU.

Trong chương trình bình luận mới đây trên kênh "Public Sénat", điều phối viên chống khủng bố của EU, ông Gilles De Kerchove đã phải thừa nhận rằng các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện sự hợp tác thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin và phân tích dữ liệu. Còn đồng Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu Philippe Lamberts thì cho rằng cơ quan tình báo các nước cần phải vượt qua sự "thiếu tin tưởng lẫn nhau" để sẵn sàng chia sẻ thông tin. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Nghị viện châu Âu Jean Arthuis lại nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một cơ quan điều phối thống nhất, tập trung về an ninh nội khối tương tự như mô hình Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). 

Ông cũng nhắc lại thời điểm xảy ra vụ tấn công tại Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004 làm 191 người thiệt mạng, khi đó Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Đức Gerhard Schröder đã đề cập đến việc thành lập một Cơ quan tình báo châu Âu với nền tảng là chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, 12 năm đã trôi qua, mọi việc vẫn không có gì mới. Một thiết chế như vậy vẫn còn là điều xa vời. Ông tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của Hệ thống dữ liệu hành khách hàng không (PNR) được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 14/4 vừa qua. Theo ông, mục tiêu của PNR là kiểm soát những công dân châu Âu tham gia thánh chiến ở Trung Đông hoặc từ đó quay trở về. Tuy nhiên, PNR giống như "một con dao không chuôi" và đây không phải là hệ thống dữ liệu hành khách của châu Âu mà là "28 hệ thống dữ liệu quốc gia".

Có một nghịch lý là dưới góc độ an ninh, những người hoài nghi châu Âu cũng như những người ủng hộ việc xây dựng "Ngôi nhà chung" đều cho rằng "châu Âu thật mong manh, dễ bị tổn thương và không hiệu quả", "châu Âu có quá ít đòn bẩy để đảm bảo an ninh trước các mối đe dọa khủng bố", bởi vì các lực lượng cảnh sát, quân đội cũng như các phương tiện, thiết bị và kế hoạch giải quyết khủng hoảng, tất cả đều thuộc phạm vi năng lực và chủ quyền của các quốc gia thành viên.

Với châu Âu, chống khủng bố không phải là cuộc chiến mới. Tuy nhiên, cuộc chiến này đã bước sang giai đoạn mới với các hoạt động khủng bố ngày càng nguy hiểm hơn, tàn bạo hơn. Châu Âu đang bị cuốn vào một cuộc chiến ngay trên lãnh thổ của mình, đối mặt với các chiến binh trong bóng tối. Đây thực sự là một thử thách lớn mà châu Âu chưa từng gặp kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Vũ khí tốt nhất là tổ chức tốt mạng lưới an ninh châu Âu trên cơ sở củng cố năng lực của các cấu trúc hiện có và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Một khi EU không có tiếng nói chung và hành động mang tính phối hợp thì việc đảm bảo an ninh và xử lý các mối đe dọa khủng bố vẫn là một "nhiệm vụ bất khả thi".

Bích Hà (Phóng viên TTXVN tại Paris)
Nga phát minh máy quét xuyên tường chống khủng bố
Nga phát minh máy quét xuyên tường chống khủng bố

Thiết bị radar cầm tay mới do một nhóm công ty công nghệ Nga thiết kế có khả năng phát hiện những tên khủng bố ẩn nấp sau bức tường dày bằng việc phát hiện nhịp tim và hơi thở của chúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN