Liệu Tổng thống Trump có thể thoát ‘bẫy không kích’ ở Yemen?

Các tổng thống Mỹ như Bill Clinton và Barack Obama đều từng sa vào cái bẫy này. Ở Balkan và Syria, họ đều rơi vào những cuộc chiến lớn hơn nhiều so với dự tính, gây hậu quả nghiêm trọng về thương vong dân sự, hòa bình quốc tế và uy tín của nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ bị bắn rơi tại Sanaa, Yemen, ngày 19/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang Asia Times, trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện xu hướng sẵn sàng sử dụng không quân khi chính quyền của ông cho rằng cần đến vũ lực ở nước ngoài.

Cho đến nay, chính quyền ông Trump đã thực hiện các cuộc không kích giới hạn ở Somalia và tiến hành một chiến dịch không kích kéo dài nhiều tuần nhằm vào lực lượng Houthi hiện kiểm soát phần lớn Yemen. Tổng thống Mỹ cũng đã đe dọa tấn công trực diện vào Iran nếu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới sụp đổ.

Việc ông Trump nghiêng về không kích là điều dễ hiểu. So với chiến tranh bộ binh, không kích rẻ hơn nhiều, và thường gây ít thương vong hơn cho bên tiến hành. Đây là lý do khiến các lãnh đạo Mỹ, kể cả ông Trump – người tự xưng là “tổng thống chống chiến tranh” – thường thấy phương án này hấp dẫn.

Nhưng nếu không cẩn thận, chính quyền Tổng thống Trump có thể sa vào cái mà các chiến lược gia quân sự gọi là “bẫy không kích”.

Đó là khi mục tiêu sử dụng vũ lực quá lớn so với khả năng của chỉ riêng không quân, dẫn đến việc leo thang xung đột chỉ để giữ thể diện, và nếu nhìn vào lịch sử, có thể kéo theo việc đưa bộ binh Mỹ hoặc lực lượng đồng minh địa phương vào cuộc.

Các tổng thống Mỹ như Bill Clinton và Barack Obama đều từng sa vào cái bẫy này. Ở Balkan và Syria, họ đều rơi vào những cuộc chiến lớn hơn nhiều so với dự tính, gây hậu quả nghiêm trọng về thương vong dân sự, hòa bình quốc tế và uy tín của nước Mỹ.

Asia Times cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đang đứng trước nguy cơ sa vào cái "bẫy không kích: ở Yemen, và có thể cả ở Iran nếu ông quyết định sử dụng vũ lực trực tiếp với Tehran. Việc thừa nhận rủi ro về quân sự và uy tín, đồng thời chọn một “lối thoát” khỏi chiến dịch không kích hiện tại, có thể là hy vọng tốt nhất để Mỹ tránh rơi vào một cuộc chiến toàn diện.

Giới hạn của không kích

Nghiên cứu cho thấy không quân hiệu quả nhất khi được sử dụng cho những mục tiêu giới hạn – như tiêu diệt các thủ lĩnh khủng bố hoặc làm suy yếu năng lực của đối phương – hoặc hỗ trợ cho chiến dịch bộ binh nhằm đạt những mục tiêu tham vọng hơn, như thay đổi hoặc củng cố chính phủ.

Với công nghệ không quân tinh vi của Mỹ, một ngộ nhận phổ biến trong giới chiến lược gia Mỹ là họ tin rằng các mục tiêu chiến lược lớn có thể đạt được chỉ bằng việc “thả bom từ trên cao”.

Nhưng khi không quân đơn độc thất bại, các nhà lãnh đạo có thể chịu áp lực phải mở rộng phạm vi xung đột, và kết quả là những cam kết quân sự lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

Lo ngại về uy tín của Mỹ và NATO, Tổng thống Clinton đã leo thang không kích – gần như tới mức đưa quân bộ vào – nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng ở Balkan đầu thập niên 1990.

Tương tự, chiến lược “chỉ dùng không quân” ban đầu của Obama để “làm suy yếu và tiêu diệt” IS cũng nhanh chóng thất bại, buộc ông phải đưa hàng ngàn lính bộ vào Syria và Iraq để chống lại sự bành trướng của IS.

Trong tất cả những trường hợp đó, không quân đơn độc rốt cuộc đều không đạt được mục tiêu đề ra.

Bẫy không kích ở Yemen

Có nhiều lý do để cho rằng bối cảnh tại Yemen khiến Tổng thống Trump cũng có thể rơi vào cái bẫy tương tự.

Ông Trump đã chọn chiến lược “chỉ dùng không quân” để “tiêu diệt hoàn toàn” lực lượng Houthi – một phong trào nổi dậy hùng mạnh gần như đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến Yemen. Nguyên nhân trực tiếp của chiến dịch không kích, do chính quyền Biden khởi xướng và được Tổng thống Trump mở rộng đáng kể, là nhằm khôi phục tự do hàng hải ở Biển Đỏ – nơi bị Houthi phong tỏa để phản đối cuộc chiến Gaza do Israel tiến hành.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy chiến dịch không kích này đang thất bại.

Mỹ đã tiêu tốn 1 tỷ USD và kho vũ khí giới hạn để đánh bom ít nhất 800 mục tiêu kể từ ngày 15/3, nhưng Houthi vẫn không nao núng, và lưu lượng tàu thuyền qua Biển Đỏ vẫn suy giảm như cũ. Houthi tiếp tục tấn công tàu Mỹ và Israel. Một tên lửa của họ suýt trúng sân bay Ben-Gurion của Israel hôm 4/5.

Thực tế, các cuộc tấn công trực tiếp vào Houthi và số thương vong dân thường Yemen tăng vọt do không kích Mỹ đang củng cố vị thế chính trị của Houthi tại Yemen.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các mục tiêu của Houthi tại Sanaa, Yemen. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến dịch không kích ác liệt của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu chống Houthi cuối thập niên 2010 cũng từng có tác dụng ngược như vậy.

Khi đó, không quân đóng vai trò chính. Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, được Mỹ hậu thuẫn, đã thực hiện khoảng 25.000 cuộc không kích vào Houthi, khiến khoảng 19.000 dân thường chết hoặc bị thương. Thế nhưng, bất chấp hỏa lực áp đảo, Houthi vẫn liên tiếp giành địa bàn và cuối cùng thắng cuộc nội chiến, theo giới chuyên gia. Từ đó đến nay, họ đã là lực lượng cầm quyền trên thực tế của Yemen.

Và hiện tại, Tổng thống Trump đang cân nhắc các lựa chọn leo thang nhằm đánh bại Houthi. Các nguồn tin cho biết chính quyền của ông đang xem xét việc vũ trang, huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng kháng chiến chống Houthi – vốn liên kết lỏng lẻo với chính phủ Yemen lưu vong – để tiến hành các chiến dịch bộ binh.

Giải pháp ngoại giao

Việc sử dụng lực lượng ủy nhiệm là công cụ quen thuộc của các lãnh đạo Mỹ khi mắc vào bẫy không kích. Đôi khi các lực lượng này giúp đạt được mục tiêu, như lực lượng người Kurd (YPG) từng giúp Mỹ đánh bại IS năm 2019.

Nhưng cũng nhiều trường hợp, lực lượng ủy nhiệm của Mỹ thất bại cả về chiến lược lẫn nhân đạo, dẫn đến leo thang chiến tranh, Mỹ sa lầy, còn người dân địa phương thì thiệt hại sinh mạng và chủ quyền.

Chú thích ảnh
Tên lửa do lực lượng Houthi phóng từ Yemen nhằm vào tàu hàng trên biển Arab. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện nay, lực lượng kháng chiến chống Houthi ở Yemen khoảng 85.000 người, trong khi Houthi có khoảng 350.000. Nếu không tiếp tục chiến tranh không kích hoặc leo thang thành xung đột toàn diện hơn, giới chức Mỹ vẫn có thể theo đuổi con đường ngoại giao để tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Yemen.

Dù chính quyền Tổng thống Trump có đe dọa mạnh mẽ, nhưng Mỹ thực tế vẫn đang đàm phán với nhà bảo trợ chính của Houthi là Iran.

Về phần mình, Houthi vẫn tuyên bố sẽ ngừng tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ nếu cuộc chiến do Israel tiến hành ở Gaza chấm dứt.

Chính quyền Trump có thể cân nhắc những giải pháp thay thế như đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp, nếu muốn tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột ngày càng mở rộng ở Yemen. Lịch sử đã đầy rẫy những ví dụ về việc “bẫy không kích” có thể cuốn nước Mỹ vào chiến tranh toàn diện.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Tại sao Houthi lại khó bị đánh bại ở Trung Đông?
Tại sao Houthi lại khó bị đánh bại ở Trung Đông?

Từ một nhóm dân quân nhỏ bé ở Yemen, Houthi nay có thể phóng tên lửa đe dọa Israel và làm gián đoạn giao thương toàn khu vực. Điều gì khiến họ nguy hiểm đến vậy – và tại sao không ai ngăn được?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN