Kêu gọi khôi phục án tử hình tại Nga
Theo kênh DW (Đức), chính vụ khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall đã châm ngòi cho tranh cãi về việc đưa án tử hình quay trở lại Nga.
Nhân vật đều tiên lên tiếng về việc khôi phục án tử hình là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev. Bên cạnh đó, lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Vasilyev cũng xác nhận vấn đề sẽ được thảo luận tại Hạ viện.
Tuy nhiên, việc đưa đem án tử hình trở lại đồng nghĩa với việc phải thay đổi hiến pháp hiện nay của Nga. Được biết, vào năm 1997, Tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin ra lệnh đình chỉ án tử tình.
Thượng nghị sĩ Andrey Klishas nhận định ngay cả khi dỡ bỏ lệnh đình chỉ, thì vẫn khó áp đặt án tử hình đối với các nghi phạm khủng bố Moskva bởi khủng bố không nằm trong danh sách bị tử hình, kể cả trước năm 1997.
Lực lượng chức năng Nga đã bắt giữ 10 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Crocus City Hall vào tháng 3. Theo các nhà điều tra, trong đó có 4 kẻ trực tiếp tiến hành vụ xả súng. Tại Nga, các nghi phạm này có thể đối mặt với mức án từ 15 năm tù giam đến chung thân.
Bắt nguồn từ yếu tố này, một số chính khách Nga đề xuất đưa các nghi phạm khủng bố đến Belarus, nơi chúng có thể đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội. Belarus là quốc gia duy nhất tại châu Âu vẫn áp dụng án tử hình.
Thành viên Duma quốc gia Maria Butina gợi ý chuyển các nghi phạm đến Belarus. Bà nhấn mạnh rằng Belarus và Nga là Nhà nước Liên minh, do đó, Minsk có quyền xét xử các nghi phạm tương tự Moskva bởi cũng có công dân Belarus tử vong trong vụ khủng bố.
Liệu có khả thi?
Theo DW, để mở phiên tòa tại Belarus, các quan chức địa phương cũng phải tham gia cuộc điều tra. Người đứng đầu Hiệp hội Luật sư nhân quyền Belarus Maria Kolesova-Gudilina cho rằng giới chức Nga sẽ khó chấp thuận để phía Belarus tham gia vụ việc quan trọng như vậy bởi nó liên quan đến từ bỏ kiểm soát việc kiện tụng.
Belarus và Nga có cơ chế dẫn độ tội phạm giữa hai quốc gia. Bởi có công dân Belarus tử vong trong vụ khủng bố, Minsk có quyền yêu cầu dẫn độ các nghi phạm. Tuy nhiên, sau khi dẫn độ, Nga sẽ không thể truy tố những cá nhân này.
Bà Kolesova-Gudilina nhận định khó có khả năng dẫn độ nghi phạm bởi cuộc tấn công diễn ra trong lãnh thổ Nga và hầu hết nạn nhân cũng là công dân Nga. Theo bà, Nga còn phê chuẩn Công ước Chisinau, vốn cấm dẫn độ cá nhân có nguy cơ chịu tử hình. Bởi vậy, nếu Belarus đề nghị dẫn độ, nước này cần đảm bảo với Moskva rằng các nghi phạm sẽ không chịu án tử hình.
Trường hợp tương tự đã diễn ra. Vào năm 2022, Nga dẫn độ Sergei Derbenev, một thành viên tổ chức tội phạm, đến Belarus. Derbenev nhận bản án 15 năm tù do sát hại một số người. Đây là mức án cao nhất tòa án Belarus có thể tuyên với Derbenev bởi hắn được dẫn độ từ Nga nên văn phòng Tổng chưởng lý Belarus đã đảm bảo sẽ không tuyên án tử hình.
Đáng chú ý, viễn cảnh xét xử các nghi phạm khủng bố Moskva tại Belarus cũng gây băn khoăn về chủ quyền của cả Nga và Belarus. Bà Maria Kolesova-Gudilina phân tích rằng nếu việc xét xử các nghi phạm khủng bố Moskva thực sự được triển khai ở Belarus, sẽ có nhiều ý kiến thắc mắc về việc Nga không giải quyết các vấn đề tư pháp và an ninh trong khuôn khổ lãnh thổ.