Liên quân tấn công Libi: Mỹ đứng ở “tuyến hai” vì cạn hầu bao?

Trong chiến dịch tấn công quân sự chống Libi, ngay từ đầu Mỹ đã không nhận vai trò “thủ lĩnh” mà chỉ là “hỗ trợ các đồng minh”. Theo nhận định của các nhà phân tích quốc phòng, Oasinhtơn hiện không đủ sức mở thêm một mặt trận mới, sau khi duy trì một lượng quân đáng kể tại Ápganixtan và gần 50.000 quân ở lại Irắc. Một cuộc chiến tốn kém ở Libi đồng nghĩa với việc Nhà Trắng phải đối mặt với khó khăn mới trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục.

Liên quân sẽ cùng tốn kém

Bốn đêm oanh kích dữ dội Libi có thể đã “ngốn” của Mỹ hàng trăm triệu USD. Chi phí này sẽ tăng lên “vừa phải” nếu vai trò của Mỹ “được giới hạn” hoặc sẽ tăng cao nếu chiến dịch “Bình minh Odyssey” tiếp tục kéo dài.

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ tham gia vào cuộc tấn công Libi.

Cùng với ước đoán trên, hãng tin AP ngày 23/3 nêu rõ: Tính riêng trong ngày 22/3, Mỹ đã bắn ít nhất 162 tên lửa Tomahawk (mỗi tên lửa có giá 1 triệu - 1,5 triệu USD) và huy động máy bay ném bom B-2 thả khoảng 900 kg bom xuống các địa điểm tại Libi. Tổng thời gian bay là 25 giờ với chi phí ít nhất là 10.000 USD/giờ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi mức chi phí này chưa tính tới phí tổn về nhiên liệu, đương nhiên là “đắt đỏ”, cho các máy bay B-2. Chưa hết, phi đội máy bay chiến đấu và 11 tàu chiến ở Địa Trung Hải của Mỹ, khi được triển khai tác chiến, ước tính tiêu tốn khoảng từ 75 triệu USD trở lên và mức phí tổn khổng lồ này sẽ khiến các nhà hoạch định ngân sách ở Oasinhtơn phải “đau đầu nhức óc”. AP dẫn lời nghị sĩ đảng Cộng hòa Roscoe Bartlett thuộc Ủy ban Các lực lượng Vũ trang thuộc Hạ viện Mỹ cho rằng chiến dịch can thiệp quân sự vào Libi sẽ khiến Oasinhtơn bị thâm hụt ngân sách 1 tỷ USD trong mỗi 6 tiếng đồng hồ.

Theo ước tính của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ, chi phí mà Oasinhtơn phải chịu cho việc áp đặt vùng cấm bay tại Libi có thể lên tới từ 100 triệu - 300 triệu USD/tuần. Liên quan tới phí tổn cho cuộc chiến Libi, nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do Dennis Kucinich nói: “Chúng ta đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD cho hai cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan. Hiện Tổng thống (Barack Obama) lại đang đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh khác trong khi chúng ta đã cạn tiền”. Cùng chung quan điểm này, ông Loren Thompson - Giám đốc Viện Lexington đặt tại bang Virginia và là nhà tư vấn cho một số nhà thầu quốc phòng lớn - khẳng định: “Nếu ai đó gợi ý chi thêm tiền cho chiến dịch quân sự tại Libi thì phần lớn ý kiến phản hồi sẽ nói là không”.

Biểu tình tại Hy Lạp phản đối cuộc tấn công của liên quân vào Libi.

Trong khi đó, các nước châu Âu tham gia cùng Mỹ trong chiến dịch Bình minh Odyssey thực thi vùng cấm bay tại Libi lại hạ thấp phí tổn của cuộc chiến. Nguồn tin từ hãng Reuters ngày 23/3 cho biết, phát biểu trước quốc hội Anh, Bộ trưởng Tài chính nước này George Osborne ước tính chi phí cho cuộc chiến Libi mà Luân Đôn phải chịu có thể chỉ là hàng chục triệu bảng. Ông Osborne tuyên bố hãy còn quá sớm để đưa ra một “ước đoán khổng lồ” về cái giá của chiến dịch quân sự tại Libi, đồng thời cho rằng chi phí cho cuộc chiến Libi sẽ ở mức “vừa phải” so với các chiến dịch quân sự khác giống như cuộc chiến ở Ápganixtan. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quốc phòng cảnh báo phí tổn mà Anh phải chịu cho “một chiến dịch quân sự có giới hạn như Libi” có thể tăng lên nhanh chóng. Theo nhà phân tích Francis Tusa, chi phí của Luân Đôn cho hoạt động thực thi vùng cấm bay tại Libi có khả năng lên tới 2,3 triệu bảng (hoặc từ 3,25 triệu - 5 triệu USD).

Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải

Ngày 23/3, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga sẵn sàng đảm đương sứ mệnh trung gian hòa giải để giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Libi. Theo phóng viên TTXVN tại Mátxcơva, Tổng thống Medvedev đã đưa ra tuyên bố trên tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Sau khi đánh giá về diễn biến tình hình Libi hiện nay, Tổng thống Medvedev đã bày tỏ lo ngại về tình trạng liên quân sử dụng vũ lực bừa bãi, có thể làm dân thường Libi thiệt mạng và bị thương. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang ở thăm Angiêri cũng lên tiếng cảnh báo rằng chiến dịch quân sự do phương Tây dẫn đầu ở Libi có thể kích động chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông Lavrov kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu tình hình xấu đi, thế giới sẽ phải đối mặt với làn sóng mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và những vấn đề nan giải khác.

Cũng trong ngày 23/3, Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã bỏ phiếu thông qua tuyên bố về tình hình Libi. Tuyên bố được thông qua với đa số phiếu áp đảo (341 phiếu thuận và 1 phiếu trắng), kêu gọi HĐBA LHQ làm tất cả để buộc các bên liên quan ngừng ngay lập tức chiến sự tại Libi, đồng thời kêu gọi ban lãnh đạo Nga thực hiện sứ mệnh trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Libi. Tuyên bố của Đuma Quốc gia Nga nhấn mạnh một loạt nước tham gia liên quân đã lợi dụng Nghị quyết 1973 của LHQ làm cái cớ để đạt những mục tiêu khác so với mục tiêu ban đầu là bảo vệ thường dân.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 23/3, khẳng định Libi “sẵn sàng chiến đấu trường kỳ và cuối cùng sẽ chiến thắng”. Ông Kadhafi nhấn mạnh các lực lượng nước ngoài tham gia cuộc tấn công quân sự chống Libi sẽ thất bại và bị rơi vào “thùng rác của lịch sử”. Đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Kadhafi kể từ khi liên quân bắt đầu chiến dịch Bình minh Odyssey tấn công Libi.

Nhùng nhằng vai trò lãnh đạo của liên quân

Phát biểu tại Pari cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không đảm trách vai trò "lãnh đạo chính trị" của liên quân tại Libi, song sẽ nhận nhiệm vụ lên kế hoạch và tổ chức hoạt động nhằm thực thi việc áp đặt một vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này theo Nghị quyết 1973 của HĐBA. Theo ông Juppe, vai trò lãnh đạo chính trị sẽ thuộc về một ủy ban gồm ngoại trưởng của các nước thành viên liên quân đang tham chiến tại Libi cùng với Liên đoàn Arập. NATO sẽ chỉ can dự như một công cụ lên kế hoạch và hành động trong phạm vi vùng cấm bay.

Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các phương thức sử dụng cơ cấu chỉ huy của NATO nhằm hỗ trợ cho chiến dịch quân sự tại Libi.

Trong một diễn biến khác, lực lượng nổi dậy tại Libi dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Dân tộc đóng căn cứ tại miền đông ngày 23/3 đã chỉ định ông Mahmoud Jabril làm người đứng đầu chính phủ lâm thời và chọn các bộ trưởng. Trong khi đó, tư lệnh chiến trường các lực lượng Mỹ ở Libi, ông Samuel J.Locklear III, cho biết Mỹ và liên quân dự định đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng trên bộ của ông Kadhafi “trong những ngày giờ tới”.

Nam Hạnh (Tổng hợp)

Liên quân tấn công Libi:Ai là chỉ huy?

Cuộc tấn công quân sự của phương Tây nhằm vào Libi đã bước sang ngày thứ 4. Thêm nhiều thương vong, thêm nhiều thiệt hại cho đất nước Bắc Phi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN