LHQ nhấn mạnh rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự ổn định và ngăn ngừa xung đột trong khu vực.
Phát biểu với báo giới, Thư ký Công ước của LHQ về Nước, bà Sonja Koeppel, khẳng định: “Nước và hòa bình có mối liên hệ rất chặt chẽ”. Bà chỉ ra rằng hơn 60% nguồn nước ngọt là tài nguyên chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia, bao gồm các con sông lớn như sông Rhine và sông Danube ở châu Âu, sông Mekong ở châu Á, sông Nile ở châu Phi và Amazon ở Mỹ Latinh. Vì vậy, theo bà, hợp tác về các nguồn nước chung đóng vai trò rất quan trọng cho hòa bình và sự phát triển của hành động khí hậu.
Bà Koeppel nhấn mạnh nước là nguồn tài nguyên quan trọng đến mức có khả năng đưa các quốc gia đang xung đột ngồi vào đàm phán, và mở cánh cửa hợp tác trong các lĩnh vực khác. Các ví dụ điển hình bao gồm thỏa thuận hợp tác về sử dụng sông Indus (sông Ấn) giữa Ấn Độ và Pakistan (Pa-ki-xtan); hay thỏa thuận mà Senegal (Xê-nê-gan), Mauritania (Mô-ri-ta-ni), Guinea (Ghi-nê) và Gambia (Găm-bi-a) đạt được vào những năm 1970 về lưu vực sông Senegal đã cho phép các bên cùng tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng để phân phối nước cho cả bốn quốc gia.
Phát biểu nhân Ngày nước thế giới (22/3), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết hiện tổng cộng 153 quốc gia trên thế giới chia sẻ tài nguyên nước chung, nhưng chỉ có 24 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác về các nguồn nước chung này. Ông nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực hợp tác xuyên biên giới, đồng thời kêu gọi các nước tham gia và thực hiện Công ước của LHQ về nước. Tổng thư ký khẳng định: "Hành động vì nước là hành động vì hòa bình".
Công ước của LHQ về Nước được thiết lập vào năm 1992 nhằm thúc đẩy việc cùng quản lý tài nguyên nước chung một cách có trách nhiệm ở khu vực châu Âu, sau đó đã được mở rộng sang các nước trên thế giới vào năm 2016. Hiện tại công ước này có 52 thành viên cấp nhà nước tham gia, chủ yếu ở châu Âu, châu Á và châu Phi.
Bà Koeppel khẳng định công ước này là một công cụ quan trọng để thúc đẩy hợp tác về nước xuyên biên giới, đồng thời giúp các nước giải quyết các tình huống phức tạp và giải quyết tranh chấp, giúp các quốc gia sử dụng các nguồn tài nguyên chung một cách hòa bình và bền vững để bảo vệ môi trường và cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, chín nước châu Phi đã tham gia công ước, trong khi chỉ có Panama (Pa-na-ma) là thành viên mới ở châu Mỹ, Iraq (I-rắc) là đại diện duy nhất của khu vực Trung Đông quyết định tham gia. Bà Koeppel bày tỏ hy vọng công nước này sẽ thu hút thêm nhiều nước, khu vực tham gia.
Ủy Ban Tài nguyên nước và vệ sinh môi trường (CRHAS) thuộc Hạ viện Mexico (Mê-hi-cô) mới đây cảnh báo 99% nhà máy cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh tại hơn 2.450 đô thị nước này đang đối mặt với nguy cơ phá sản sau khi ghi nhận khoản lỗ tổng cộng hơn 100 tỷ peso (5,7 tỷ USD) mỗi năm.
Chủ tịch CRHAS Rubén Muñoz Álvarez cho biết các nhà máy cung cấp nước và dịch vụ vệ sinh Mexico đối mặt với tình trang thua lỗ triền miên do thiếu hệ thống thu phí phù hợp, cũng như thiếu các tiêu chuẩn và biểu giá nước sinh hoạt rõ ràng cho từng đối tượng khách hàng.
Ông Muñoz Álvarez cho biết trên thực tế Ủy ban nước quốc gia Mexico (Conagua) đã dành mức đầu tư kỷ lục hơn gần 68,5 tỷ peso, tương đương 4 tỷ USD vào hệ thống hạ tầng cấp nước nước này trong năm 2023, tăng gấp đôi so năm 2019 và tương đương mức dự kiến của năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn nước do hạn hán kéo dài khiến quốc gia Mỹ Latinh này rơi vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng trong thời gian qua.
Theo Viện Năng lực Cạnh tranh Mexico (IMCO), hơn 13 triệu người dân Mexico hiện không được tiếp cận nguồn nước sạch. Hồi đầu tháng 2/2024, người dân thủ đô của Mexico City đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng tại nhiều khu vực thành phố, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, hoạt động sản xuất và kinh doanh của người dân. Chính quyền địa phương cảnh báo mực nước ở các con đập trong hệ thống cung cấp nước chính cho thủ đô Mexico City ghi nhận mức thấp chưa từng có.
Trước đó, LHQ cảnh báo, đến năm 2060, sản lượng khai thác tài nguyên thiên nhiên trên toàn cầu có thể tăng 60%, làm cản trở việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu và tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo Triển vọng Tài nguyên Toàn cầu năm 2024 của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên trên thế giới - từ thực phẩm đến nhiên liệu hóa thạch, đã tăng gấp ba lần, trung bình hơn 2,3% mỗi năm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng cũng như nhu cầu năng lượng và tiêu dùng gia tăng trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là ở các nước giàu có hơn. Theo giới phân tích, nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô ở các quốc gia giàu có cao hơn gấp 6 lần so với các quốc gia có thu nhập thấp, ngoài ra các nước giàu cũng gây ra tác động đến khí hậu cũng cao gấp 10 lần.
Báo cáo của UNEP cho thấy hoạt động khai thác và xử lý một lượng lớn tài nguyên tạo ra hơn 60% lượng khí thải nhà kính làm nóng hành tinh, đồng thời tàn phá hệ sinh thái và gây hại cho sức khỏe con người.
UNEP cảnh báo, nếu không có sự thay đổi mang tính đột phá, tình trạng khai thác tài nguyên Trái Đất sẽ tiếp tục gia tăng, cụ thể ở mức gần 60% đến năm 2060 so với mức năm 2020, từ 100 tỷ tấn lên 160 tỷ tấn. Cơ quan này cho rằng những thay đổi chính sách, đặc biệt là ở các quốc gia có mức tiêu thụ tài nguyên cao, có thể giúp giảm 30% mức tăng tiêu thụ tài nguyên dự báo, giảm 80% lượng khí thải nhà kính và giúp cải thiện sức khỏe của con người, trong khi vẫn cho phép tăng trưởng kinh tế.