Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, các quốc gia phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau. “Nước cho hòa bình” nhấn mạnh sự đoàn kết trên toàn cầu để thúc đẩy sự hài hòa tạo ra sự thịnh vượng và xây dựng khả năng phục hồi nước trước những thách thức chung.
Ủng hộ chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chia sẻ trên Twitter: “... Hiện, hàng tỷ người vẫn chưa có nước sạch và nhà vệ sinh. Do đó, chúng ta phải hành động dựa trên nhận thức rằng nước không chỉ là tài nguyên để sử dụng và cạnh tranh mà còn là quyền của con người, vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần đoàn kết xung quanh nước và sử dụng nước vì hòa bình, đặt nền móng cho một ngày mai ổn định và thịnh vượng hơn".
Trước đó, từ ngày 22 - 24/3/2023, “Hội nghị về nước của Liên hợp quốc năm 2023”, hay còn gọi là Hội nghị đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Thập kỷ hành động “Nước vì Phát triển bền vững” (2018 - 2028) đã được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), do Chính phủ Tajikistan và Vương quốc Hà Lan đồng đăng cai tổ chức. Mục tiêu của Hội nghị là thúc đẩy và hỗ trợ các quốc gia đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu về nước đã được quốc tế thông qua giai đoạn 2018 - 2028.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 3 -14/6/1992, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước Thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.
Ngày Nước Thế giới ra đời với mục tiêu hướng người dân trên toàn thế giới đến việc tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, khuyến khích người dân nâng cao nhận thức về giá trị của nước trong cuộc sống hàng ngày của con người cũng như bảo vệ môi trường sống quý giá của nhiều loài sinh vật cùng chung sống trên Trái Đất. Thông điệp của Ngày Nước Thế giới mỗi năm nhằm truyền tải chủ đề nhất định với mục đích phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau về tầm ảnh hưởng của nước, góp phần giúp con người có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị của tài nguyên nước, khuyến khích thay đổi cách sử dụng và quản lý nguồn nước một cách tiết kiệm nhất có thể.
Vào Ngày Nước Thế giới 22/3 hàng năm, các quốc gia sẽ có những chương trình hành động cụ thể để hưởng ứng ngày kỷ niệm.
Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả và phù hợp với chủ đề Ngày Nước Thế giới như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, chủ đề Ngày Nước thế giới 2024; tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
Cùng với đó, nhiều giải pháp được thực hiện như: trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, phù hợp chức năng nhiệm vụ được giao. Tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái tại các lưu vực sông.