Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền Sudan nhiều lần kêu gọi LHQ hủy bỏ các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm vận vũ khí, vốn được áp đặt liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực Darfur của nước này từ năm 2005. Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cam kết ủng hộ lời kêu gọi này, song HĐBA LHQ đã bỏ phiếu gia hạn nhiệm vụ của hội đồng chuyên gia chịu trách nhiệm giám sát và thực hiện các biện pháp trừng phạt, cấm vận Sudan cho đến ngày 12/3/2024. Cuộc bỏ phiếu đã được thông qua với 13 phiếu thuận, trong khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Phó đại diện của Trung Quốc tại LHQ, ông Cảnh Sảng cho biết các biện pháp trừng phạt trên không còn phù hợp và nên được dỡ bỏ vì tình hình đã được cải thiện.
Cựu Tổng thống Sudan, ông Omar al-Bashir đã nắm quyền lãnh đạo đất nước trong gần 3 thập kỷ quốc gia châu Phi này hứng chịu các lệnh trừng phạt. Sau khi ông al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019, Sudan đã bắt đầu chuyển sang chế độ dân sự và được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố hồi tháng 12/2020. Tuy nhiên, Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, khiến quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự bị chệch hướng và gây khó khăn cho công tác viện trợ.
Tháng 1 vừa qua, các chính đảng của Sudan đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận chuyển tiếp cuối cùng nhằm thành lập một chính phủ dân sự và giải quyết các vấn đề nổi bật khác.