Trên mạng xã hội X ngày 24/10, UNWRA cho biết nhu cầu của cơ quan này về nhiên liệu đang rất khẩn cấp, nếu không cơ quan này sẽ buộc phải tạm ngừng các hoạt động ở Dải Gaza kể từ tối 25/10.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết 6 bệnh viện trên khắp Dải Gaza đã phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu vận hành máy phát điện và các dịch vụ thiết yếu khác.
Trong khi đó, người phát ngôn của cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Dải Gaza cảnh báo hệ thống y tế ở dải đất này sẽ “sụp đổ hoàn toàn” do thiếu điện và cạn kiệt nhiên liệu để vận hành máy phát điện trong bệnh viện. Ngoài ra, cơ quan y tế này lo ngại nguy cơ bùng phát nhiều ổ dịch bệnh quy mô lớn ở Dải Gaza. Đến nay, khoảng 3.150 trường hợp mắc bệnh chủ yếu do thiếu nước kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát hôm 7/10. Những bệnh này gồm tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, các bệnh liên quan đến da, ghẻ và nhiễm trùng phế quản.
Hiện các tổ chức và cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) đang kêu gọi đảm bảo viện trợ khẩn cấp đến được với người dân ở Dải Gaza. WHO kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để viện trợ lương thực, thuốc men và nhiên liệu. Theo ước tính của LHQ, cần tăng gấp hơn 20 lần mức viện trợ hiện tại để có thể hỗ trợ khoảng 2,3 triệu người Palestine ở Dải Gaza.
Phát biểu tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Tổng thư ký Antonio Guterres cảnh báo việc cung cấp nhiên liệu đến Dải Gaza bị hạn chế sẽ ảnh hưởng đến công tác vận chuyển hàng viện trợ đến những người dân đang cần trợ giúp. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/10 cũng bày tỏ quan ngại khi viện trợ nhân đạo chưa được vận chuyển kịp thời đến Dải Gaza.
Hiện Mỹ đang đàm phán với Israel, Ai Cập và LHQ để thiết lập một cơ chế bền vững cho việc cung cấp viện trợ đến Dải Gaza. Cùng ngày, Tổng thống Biden cũng điện đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Thông báo của Nhà Trắng cho biết hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn nhằm duy trì ổn định khu vực và ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng.