Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị, các tổ chức cứu trợ nhân đạo của LHQ ngày 1/6 cho biết họ buộc phải dừng một số hoạt động cứu trợ cho người dân Yemen do khó khăn về nguồn tài trợ, ngay cả khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa đất nước này.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã phải cắt giảm 50% khẩu phần và các dịch vụ y tế do LHQ tài trợ tại 189 trong số 369 bệnh viện trên toàn quốc. Khoảng 75% các chương trình của LHQ ở Yemen đã phải đóng cửa hoặc giảm hoạt động.
Các khoản tài tài trợ cho Yemen đã bị thu hẹp do một số yếu tố, trong đó lý do hàng đầu là sự cản trở của phiến quân Houthi, hiện đang kiểm soát thủ đô Sanaa và các vùng lãnh thổ khác. Mỹ - một trong những nhà tài trợ lớn nhất - đã giảm viện trợ cho Yemen vào đầu năm nay, do sự can thiệp của lực lượng Houthi đối với hoạt động cứu trợ của LHQ.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp - ông Mark Lowcock, cảnh báo "tình hình đã ở mức đáng báo động", theo đó thế giới có thể chứng kiến Yemen "rơi xuống vực thẳm". Ông Lowcock nhấn mạnh "hàng chục triệu người dân nước này đang gặp khó khăn, trừ phi chúng ta nhận được không chỉ những lời cam kết, mà cả các nguồn tài chính”. Ông nêu rõ LHQ đã nhận được khoản tiền tài trợ 3,2 tỷ USD trong năm 2019 cho Yemen, tuy nhiên, trong năm 2020 mới chỉ nhận được 474 triệu USD.
Cũng theo ông Lowcock, hầu hết các cơ quan của LHQ sắp cạn kiệt nguồn tài chính. Chưa bao giờ số tiền được sử dụng cho các hoạt động cứu trợ ở Yemen ít ỏi như vào cuối năm nay. Năm ngoái, Yemen đã nhận được số tiền tài trợ lớn do các quốc gia trong khu vực tăng cường đóng góp và LHQ hy vọng điều đó sẽ lặp lại trong năm nay. LHQ cần số tiền 2,4 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động cứu trợ trên từ nay đến hết năm, trong đó 180 triệu USD dùng để đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Yemen trong bối cảnh dịch bệnh này đang lây lan nhanh.
Yemen rơi vào nội chiến kể từ khi phiến quân Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa cuối năm 2014 và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, một liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Trong 6 năm qua, xung đột tại Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường và châm ngòi cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới. Hiện có khoảng 80% dân số nước này, tương đương khoảng 24 triệu người, đang cần được cứu trợ.