Libya: Xuất hiện tình trạng 'hai thủ tướng', đất nước chìm trong 'thập kỷ hỗn loạn'

Trong khi Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), ông Abdul Hamid Dbeibah cho rằng 8 năm qua, người dân Libya đã bị tước đi quyền bầu cử, Thủ tướng do Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk chỉ định, ông Fathi Bashagha đã gửi thư tới ông Dbeibah kêu gọi Thủ tướng GNU giao lại quyền lãnh đạo một cách hòa bình và tránh chiến tranh.

Chú thích ảnh
 Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), ông Abdul Hamid Dbeibah phát biểu trong cuộc họp báo tại Tripoli, ngày 25/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), ông Abdul Hamid Dbeibah kêu gọi Chủ tịch Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya (HCS) Khalid Al-Mishri và Chủ tịch Quốc hội Libya (HoR) Aqila Saleh "trả tự do cho người dân Libya" bằng cách thông qua cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp của GNU ở thủ đô Tripoli, ông Dbeibah cho rằng HoR và HCS tước đi quyền bầu cử của người dân Libya trong 8 năm qua. Ông Dbeibah khẳng định: "GNU là bên bảo đảm duy nhất có khả năng gây sức ép để các phe phái tiến tới các cuộc bầu cử. Chúng tôi bác bỏ những tin đồn về sự tồn tại của hai chính phủ và sự phân chia hành chính, vì tất cả các cơ quan nhà nước và các chính quyền thành phố tự trị đều đang hoạt động dưới sự quản lý của GNU. Những bất đồng hiện nay liên quan đến chính trị chỉ có thể được giải quyết thông qua bầu cử". 

Trước đó, ngày 24/8, Thủ tướng do Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk chỉ định, ông Fathi Bashagha đã gửi thư tới ông Dbeibah kêu gọi Thủ tướng GNU giao lại quyền lãnh đạo một cách hòa bình và tránh chiến tranh. Ông Dbeibah đã bác bỏ kêu gọi này, đồng thời yêu cầu ông Bashagha tập trung nỗ lực cho các cuộc bầu cử và "từ bỏ ảo tưởng về một cuộc đảo chính quân sự".

Căng thẳng chính trị đã gia tăng ở Libya kể từ khi Quốc hội có trụ sở ở thành phố Tobruk miền Đông nước này hồi tháng 2 vừa qua chỉ định ông Bashagha làm thủ tướng mới thay thế Thủ tướng GNU Dbeibah. Tuy nhiên, ông Dbeibah từ chối chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ một chính phủ dân cử.

Tranh cãi về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một trong những thách thức chính khiến các cuộc bầu cử quốc gia đã được lên kế hoạch vào tháng 12/2021 của Libya bị đình hoãn. Thất bại của kế hoạch tổ chức bầu cử là đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt một thập kỷ hỗn loạn ở Libya.

Nguyễn Trường (TTXVN)
Căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang tại Libya 
Căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang tại Libya 

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn tin truyền thông khu vực ngày 20/8 cho biết Thủ tướng do Quốc hội Libya chỉ định, ông Fathi Bashagha, đã ám chỉ khả năng có thể tiến vào Tripoli với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang để giành lấy văn phòng cho chính phủ của ông từ tay Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), ông Abdul Hamid Dbeibah.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN