Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Dbeibah cho biết tiến trình hòa giải dân tộc diễn ra không toàn diện do thiếu sự nhượng bộ của một số bên. Ông Dbeibah nói rằng chính phủ của ông rất nỗ lực để thúc đẩy tiến trình hòa giải thực sự nhằm hướng tới các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống dựa trên khuôn khổ Hiến pháp.
Ông Dbeibah cho rằng tiến trình đàm phán về một thỏa thuận chia sẻ quyền lực chỉ là "ảo tưởng", đồng thời bác bỏ những tin đồn crằng có một thỏa thuận chính trị đằng sau việc sa thải Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) Mustafa Sanallah. Ông nhấn mạnh việc thay đổi Hội đồng quản trị NOC là bước đi cần thiết.
Theo kế hoạch ban đầu, bầu cử tổng thống và quốc hội Libya đáng lẽ diễn ra vào tháng 12/2021, mở màn cho tiến trình hòa bình tại quốc gia này. Tuy nhiên, bầu cử đã không thể diễn ra do những tranh cãi về các ứng cử viên và nguyên tắc bỏ phiếu. Căng thẳng chính trị leo thang kể từ tháng 3, sau khi Quốc hội có trụ sở ở miền Đông chỉ định bổ nhiệm ông Fathi Bashagha làm thủ tướng mới thay thế người đứng đầu GNU Dbeibah với lý do nhiệm kỳ của ông Dbeibah đã kết thúc. Tuy nhiên, ông Dbeibah từ chối chuyển giao quyền lực khi chưa tiến hành bầu cử.
Cùng ngày 19/7, Chỉ huy quân đội miền Đông Abdel-Razzaq al-Nadori, và Chỉ huy Lực lượng Quân đội quốc gia Libya ở miền Tây, ông Mohammad al-Haddad đã có cuộc họp tại Tripoli. Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai bên kêu gọi bổ nhiệm một tổng tư lệnh quân đội duy nhất và bắt đầu hợp nhất quân đội của hai chính quyền đối địch. Hai bên cũng nhất trí tiến hành tuần tra biên giới nhằm ngăn chặn người di cư, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu hàng hóa và buôn người.
Đây là cuộc gặp thứ hai giữa hai sĩ quan cấp cao này nhằm thảo luận việc hợp nhất hai lực lượng. Cuộc gặp lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2021 tại thành phố Sirte, cách Tripoli khoảng 450 km. Cuộc họp cũng được cho là nhằm thúc đẩy công tác của Ủy ban Quân sự Chung 5+5 (JMC), trong đó có việc loại bỏ lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya theo thỏa thuận ngừng bắn ký năm 2020.
Libya đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi năm 2011. Mâu thuẫn về quyền kiểm soát chính phủ cũng như về một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột bạo lực kéo dài đang tiếp tục đe dọa đẩy Libya trở lại tình trạng chia rẽ chính quyền và nội chiến.