Theo Hải quân Libya, toàn bộ những người trên thuyền là đàn ông, chủ yếu đến từ Sudan và Bangladesh, đã được chăm sóc y tế trước khi đưa về trại giam giữ cách thủ đô Tripoli khoảng 100 km. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) xác nhận 96 người di cư đã bị đưa trở về Libya. Tổ chức này cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết tại trung tâm giam giữ, đồng thời cho rằng Libya không phải là nơi an toàn và cần chấm dứt việc giam giữ tùy tiện.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có 376 người thiệt mạng, 1.822 người bị thương và trên 40.000 người phải sơ tán kể từ ngày 4/4 - thời điểm lực lượng của Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch tấn công nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, cho đến nay, LNA vẫn chưa thể "chọc thủng" phòng tuyến ở phía Nam của thủ đô Tripoli. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) cũng cảnh báo trình trạng nguy hiểm, khi có khoảng 3.500 người di cư và tị nạn đang bị giam giữ tại các trung tâm gần khu vực xung đột.
Libya được coi là tuyến đường trung chuyển chính để người di cư tìm cách tới châu Âu. Hiện có khoảng 6.000 người di cư bị giữ tại các trung tâm giam giữ chính thức ở nước này.