Libi: Khó khăn vẫn chồng chất sau cái chết của ông Kadhafi

* Nhiều ý kiến đề nghị điều tra cái chết của ông Kadhafi

Cái chết vào ngày 20/10 của nhà lãnh đạo bị lật đổ ông Moamer Kadhafi có thể xem là dấu chấm hết cho tình trạng bom rơi đạn nổ kéo dài nhiều tháng qua ở Libi, song theo đánh giá của các nhà phân tích, cái chết của ông Kadhafi không phải là dấu chấm hết cho những vấn đề đặt ra lâu nay cho quốc gia Bắc Phi này.

Người dân Libi xếp hàng vào nơi quàn thi thể ông Kadhafi ở thành phố Mistara ngày 21/10.Ảnh: AFP/ TTXVN


Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), ông Pascal Boniface cho rằng, cái chết của ông Kadhafi đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở Libi và đưa Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) lên cầm quyền, song về cơ bản, toàn bộ những vấn đề đặt ra do cuộc can thiệp quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào quốc gia Bắc phi này "vẫn không được giải quyết". Theo ông, các vấn đề như tính thống nhất của NTC, tương lai của thể chế này, mối quan hệ giữa NTC với tiến trình chuyển tiếp dân chủ vẫn là "vấn đề thời sự". Trước và sau cái chết của ông Kadhafi, "mọi niềm hy vọng và mọi câu hỏi vẫn không thay đổi".

Tân Hoa xã trong bài bình luận ngày 21/10 cũng cho rằng, có lý do để phải thận trọng, hay ít nhất là không quá lạc quan về tương lai của Libi vì không có một giải pháp nào vừa nhanh chóng vừa dễ dàng giải quyết được những khó khăn khổng lồ đang ở phía trước đất nước này.

Nhiều chuyên gia nhận định tình trạng chiến tranh có thể còn kéo dài tại Libi và chính phủ tạm quyền của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian tới. Theo ông Larbi Sadiki, chuyên gia về chính trị khu vực Bắc Phi của trường Đại học Exeter, thách thức lớn nhất là tái thiết đất nước và thành lập một chính phủ có khả năng đưa Libi vào quỹ đạo ổn định và phát triển.

Liên quan đến cái chết của ông Kadhafi, kênh truyền hình Al Arabiya ngày 21/10 đưa tin, theo kết quả giám định pháp y, ông Kadhafi chết vì bị trúng đạn vào bụng. Al Arabiya dẫn lời bác sĩ pháp y Ibrahim Tika cho biết: "Ông Kadhafi bị bắt sống, sau đó bị bắn chết. Có một viên đạn găm trong bụng ông Kadhafi và đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cái chết của ông".

Ngày 21/10, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình Libi hiện nay, nội dung như sau: “Việt Nam mong muốn tình hình Libi sớm ổn định, nhân dân Libi được sống trong hòa bình để có điều kiện tái thiết và phát triển đất nước. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Chính quyền mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và tham gia vào quá trình tái thiết Libi trong khả năng của mình”.

Tuy nhiên, trước đó, một số kênh truyền hình vệ tinh Arập đã phát những hình ảnh cho thấy ông Kadhafi vẫn còn sống khi bị binh sĩ NTC bắt giữ, khiến dư luận cho rằng các tay súng NTC đã giết chết ông Kadhafi.

Hiện thi thể ông Kadhafi đang được quàn tại thành phố Mistara. Bộ trưởng Dầu mỏ của chính phủ lâm thời Libi, ông Ali Tarhouni cho biết, lễ an táng ông Kadhafi sẽ bị hoãn thêm vài ngày nữa cho tới khi chính phủ quyết định địa điểm an táng.

Giữa lúc có nhiều nghi ngờ về cái chết của ông Kadhafi, một số cá nhân và tổ chức đã yêu cầu mở cuộc điều tra. Ngày 21/10, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, bà Navi Pillays cho rằng cần tiến hành điều tra về cái chết của ông Kadhafi. Người phát ngôn của bà Navi, Rupert Colville nói: "Thông tin liên quan cái chết của ông Kadhafi chưa rõ ràng. Có tới 4 – 5 “phiên bản” khác nhau về cái chết này. Vì thế cần tiến hành điều tra...".

Tối 21/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ, có rất nhiều câu hỏi đặt ra quanh cái chết của ông Kadhafi. Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về cái chết này, đồng thời nhấn mạnh rằng, Mátxcơva chắc chắn cuộc điều tra này sẽ được tiến hành.

Cũng có tin cho biết, vợ ông Kadhafi là bà Safiya Kadhafi đã yêu cầu Liên hợp quốc mở cuộc điều tra về cái chết của chồng bà và con trai Mustassim. Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Right Watch cũng có ý kiến tương tự.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc ông Kadhafi bị các tay súng NTC giết chết (nếu có) sẽ gây khó khăn cho chính quyền mới ở Libi. Trước hết, điều đó có thể trở thành động lực để những người ủng hộ nhà lãnh đạo bị lật đổ tập hợp lại, có thể không trong tương lai gần mà trong tương lai trung hoặc dài hạn. Thêm nữa, điều đó có thể đưa đến những câu hỏi về tính pháp lý của NTC.

Dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng trái chiều sau cái chết của ông Kadhafi. Thủ tướng Anh David Cameron hoan nghênh cơ hội dành cho "tương lai dân chủ của Libi". Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định cái chết của ông Kadhafi đã mở đường cho sự khởi đầu chính trị mới và hòa bình, đồng thời hối thúc Libi nhanh chóng hướng tới dân chủ. Tổng thống Italia Giorgio Napolitano cho rằng, cái chết của ông Kadhafi là một bước đi tích cực cho đất nước Bắc Phi cũng như chính phủ mới tại nước này.

Trong khi đó, Liên đoàn Arập (AL) hối thúc nhân dân Libi "vượt qua những đau thương trong quá khứ và hướng tới tương lai". Các nước Ai Cập và Irắc cũng đã bày tỏ hy vọng về "một chương mới" tại Libi và cam kết ủng hộ quá trình tái thiết quốc gia này.

Từ Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du kêu gọi một sự chuyển giao chính trị sớm tại Libi nhằm đảm bảo sự thống nhất dân tộc và ổn định xã hội. Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard cam kết hỗ trợ giới lãnh đạo mới của Libi hướng tới hòa bình và ổn định. Tổng thống Hugo Chavez chia buồn về cái chết của ông Kadhafi, đồng thời cáo buộc Mỹ và phương Tây là thủ phạm chính dẫn tới cuộc chiến đẫm máu tại Libi nhằm can thiệp vào nguồn tài nguyên dầu lửa của quốc gia Bắc Phi này. Ngoại trưởng Braxin Antonio Patriota mong muốn bạo lực tại Libi sẽ sớm kết thúc, trong khi Tổng thống Côlômbia Juan Manuel Santos bày tỏ hy vọng hòa bình và tự do sẽ đến với Libi.

Minh Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN