Cảnh đổ nát sau cuộc không kích tại khu vực Tariq a-Bab, Aleppo ngày 24/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các nguồn tin ngoại giao, dự thảo nghị quyết do Pháp soạn thảo đã được trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vào cuối tuần qua và một cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra trong tuần này.
Nghị quyết của LHQ được cho là nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp giữa Nga và Mỹ trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria, vốn đã khiến hơn 300.000 người thiệt mạng và khoảng 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Aleppo đã hứng chịu các cuộc không kích gần như hàng ngày kể từ hôm 22/9 khi quân đội Syria thông báo chiến dịch tấn công nhằm giành lại khu vực phía Đông của thành phố này hiện do các lực lượng đối lập kiểm soát.
Theo dự thảo nghị quyết do Pháp và Tây Ban Nha đồng bảo trợ, HĐBA LHQ có thể áp đặt thêm các biện pháp nếu các bên không tuân thủ. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre tuyên bố: "Trách nhiệm của chúng tôi là làm mọi thứ có thể để thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt xung đột tại Aleppo".
Dự thảo nghị quyết nêu rõ mức độ bạo lực tại Aleppo đang ngày càng leo thang và không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và ngừng tất cả các chuyến bay quân sự trên không phận Aleppo.
Bản dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhanh chóng đưa ra các lựa chọn để thiết lập một cơ chế giám sát đối với lệnh ngừng bắn, với sự hỗ trợ của 23 quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria, đồng thời yêu cầu tất cả các bên tham chiến tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt là chính quyền Syria, thực hiện ngay các nghĩa vụ của mình. Các bên cần phải "thực thi và đảm bảo thực thi đầy đủ lệnh ngừng các hoạt động thù địch", trong đó có việc chấm dứt tất cả các cuộc động ném bom và không kích.
Cũng theo dự thảo nghị quyết của LHQ, HĐBA sẽ lưu ý tới thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian đồng thời hoan nghênh ý định của hai nước này thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm ổn định tình hình tại Syria, với các biện pháp đặc biệt dành cho khu vực Aleppo.
HĐBA LHQ cũng hối thúc Nga và Mỹ đảm bảo việc thực thi ngay lập tức lệnh ngừng các hoạt động thù địch, bắt đầu với Aleppo. Biện pháp mới nhất của LHQ cũng đề cập đến các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria và tuyên bố rằng bên nào chịu trách nhiệm sẽ phải giải trình.
Nga nỗ lực giải quyết những cuộc khủng hoảng quốc tế
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 3/10, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tiến hành phiên họp kín đầu tiên dưới sự chủ tọa của Đại sứ Nga Vitaly Churkin, người vừa nhận chức chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 10.
Tại phiên họp, HĐBA đã bắt đầu thảo luận về dự thảo nghị quyết do Pháp và Tây Ban Nha soạn thảo, theo đó đề nghị thiết lập lệnh ngừng bắn tại Aleppo và kêu gọi chấm dứt mọi chuyến bay quân sự trên vùng trời thành phố này. Sau phiên họp kín của HĐBA, Đại sứ Churkin đã có cuộc họp báo để trình bày những sự kiện dự kiến diễn ra trong tháng 10.
Toàn cảnh cuộc họp khẩn của Hội đồng bảo an LHQ về tình hình Syria tại New York, Mỹ, ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, chủ đề Syria đã bao trùm toàn bộ cuộc họp báo. Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Nga đối với dự thảo nghị quyết nêu trên, Đại sứ Churkin cho biết Moskva hoài nghi về tính khả thi của dự thảo này.
Theo ông, văn kiện này là ý tưởng tạo ra cái gọi là cơ chế giám sát mới cho lệnh ngừng bắn, song trên thực tế ở Geneva (Thụy Sĩ), các bên đã đề ra được một cơ chế như vậy và cơ chế đó đã được áp dụng trong một thời gian dài, và không phát huy được hiệu quả.
Phái đoàn Nga đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cơ quan quyền lực nhất của LHQ đúng vào lúc tình hình tại Syria đang diễn biến xấu đi cũng như cuộc bầu chọn tổng thư ký mới bước vào giai đoạn quyết định. Theo phái đoàn thường trực của Nga tại LHQ, dự kiến sẽ có khoảng 20 cuộc họp diễn ra trong thời gian Nga giữ chức chủ tịch HĐBA.
Các ưu tiên trong chương trình nghị sự sẽ là các cuộc xung đột tại châu Phi, trong đó gồm khu vực Darfur của Sudan, nước CHDC Congo, Mali, nước CH Trung Phi và Nam Sudan, cũng như các vấn đề liên quan đến các quốc gia Trung Đông, gồm Syria, Liban, và Yemen.
Cũng trong ngày 3/10, người phát ngôn điện Kremlin ông Dmitry Peskov cho biết trên cương vị chủ tịch HĐBA, Nga sẽ tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình và công cụ quan trọng nhất của đời sống chính trị quốc tế, đó là HĐBA, để tiếp tục các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết những cuộc khủng hoảng chi phối chương trình nghị sự của tháng 10 này.