Theo Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine là cấp thiết và LHQ muốn gia hạn thỏa thuận này thêm 1 năm.
Tính đến ngày 19/10, tổng lượng ngũ cốc và các mặt hàng thực phẩm khác được xuất khẩu thông qua thỏa thuận này đã lên tới gần 8 triệu tấn, trong đó hơn 70% là ngô và lúa mì. Thỏa thuận đã giúp làm hạ nhiệt giá cả lương thực trên thị trường. Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương Nông LHQ công bố cho biết giá cả các mặt hàng lương thực toàn cầu đã giảm khoảng 8,6% trong tháng 7, 1,9% trong tháng 8 và 1,1% trong tháng 9.
Theo UNCTAD, nếu không có thỏa thuận này, có ít hy vọng cho việc đảm bảo an ninh lương thực, nhất là ở những nước kém phát triển. Gần 20% lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine đã được vận chuyển tới các nước kém phát triển. Thông qua thỏa thuận này, lượng lúa mì xuất sang các nước kém phát triển đã tăng gấp đôi từ tháng 8 đến tháng 9 vừa qua.
Báo cáo của UNCTAD nêu rõ: "Sáng kiến do LHQ đứng đầu đã giúp bình ổn và tiếp đó làm giảm giá lương thực trên toàn cầu, đưa ngũ cốc từ một trong những vùng trồng ngũ cốc của thế giới tới những người đang cần lương thực". Tuy nhiên, giá cả trong thời gian gần đây đã tăng trở lại do chưa rõ thỏa thuận này có được gia hạn hay không.
Trong khi đó, phát biểu họp báo, Đại diện thường trực của Nga tại cơ quan LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ), Gennady Gatilov cho biết ít tiến bộ đạt được trong đàm phán mới nhất về tương lai của thỏa thuận này, đồng thời nhấn mạnh việc gia hạn thỏa thuận phụ thuộc vào việc đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các thỏa thuận đạt được trước đây.
Ông Gatilov nêu rõ: "Trong các cuộc thảo luận với LHQ, chúng tôi đã nhấn mạnh lo ngại về việc thực thi các điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận bởi chúng tôi vẫn đang trải qua những rắc rối về mặt hậu cần thiết yếu". Ông nhấn mạnh không có lý do tiếp tục một thỏa thuận nếu một phần của thỏa thuận chưa được thực hiện.
Nga và Ukraine đã ký kết thỏa thuận ngũ cốc mang tính đột phá vào tháng 7 tại Istanbul dưới sự dàn xếp của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận cho phép nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga - hai quốc gia nằm trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, vốn bị gián đoạn do cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga phàn nàn rằng nước này không thể xuất khẩu ngũ cốc và phân bón do các biện pháp trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng tới ngành tài chính và hậu cần của nước này.