Trong cuộc gặp, hai quan chức đã thảo luận về những ưu tiên cũng như những bước tiến mà Bộ Nội vụ Libya đã đạt được về an ninh bầu cử, tái thiết cơ sở hạ tầng, cũng như việc thành lập Lực lượng cảnh sát chung để hỗ trợ việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Zenenga đã hoan nghênh vai trò của Bộ Nội vụ Libya trong việc mở lại tuyến đường ven biển nối phần phía Tây từ biên giới với Tunisia đến Ai Cập ở phía Đông, vốn bị đóng cửa trong khoảng hai năm do giao tranh ác liệt tại Libya. Quan chức này đồng thời khẳng định sự ủng hộ của UNSMIL đối với việc thúc đẩy các ưu tiên của Bộ Nội vụ Libya.
Về phần mình, Bộ trưởng Mazen bày tỏ quan ngại về những thách thức tiếp tục trong việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, buôn người và buôn lậu ma túy và vũ khí, đồng thời nêu rõ những khó khăn mà Bộ Nội vụ Libya phải đối mặt do không có ngân sách quốc gia.
Xung đột, bạo lực và tình trạng chia rẽ đã tàn phá nền kinh tế Libya từng một thời phát triển thịnh vượng ở khu vực Bắc Phi. Với vai trò trung gian của Liên hợp quốc trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình, tình hình Libya thời gian qua đã có bước tiến triển quan trọng, khi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn vào tháng 10/2020, thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc (GNU) tháng 3/2021 và nhất trí lộ trình bầu cử, dự kiến ngày 24/12 tới. Tuy nhiên, trên thực tế, sự can thiệp của nước ngoài đang làm cho Chính phủ mới của Libya thực hiện nhiệm vụ của mình không dễ dàng.
Mặc dù các nước đều ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, nhưng đã không chịu rút các lực lượng của mình khỏi Libya theo thời hạn do Liên hợp quốc quy định là ngày 23/1/2021. Thỏa thuận ngừng bắn ở Libya và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quy định rõ ràng rằng các chiến binh, quân đội và lính đánh thuê nước ngoài phải rời khỏi Libya. Tuy nhiên, Liên hợp quốc ước tính hiện vẫn có khoảng 20.000 tay súng và lính đánh thuê nước ngoài đang hiện diện trong lãnh thổ Libya, là mối đe dọa đối với tiến trình bầu cử.