Bộ Ngoại giao Argentina ngày 29/3 cho biết, ranh giới thềm lục địa mới được xác lập này là dựa trên quyết định “thống nhất” mà Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ (CLCS) đưa ra hồi đầu tháng 3 vừa qua, theo hướng có lợi cho quốc gia Nam Mỹ này. Theo phán quyết này, vùng lãnh hải của Argentina đã được mở rộng thêm 1,7 triệu km2, bao trùm khu vực biển quanh quần đảo Falklands (theo cách gọi của Anh) hay còn có tên khác là Malvinas (theo cách gọi của Argentina). Cụ thể, Ủy ban này đã phê chuẩn Báo cáo đề nghị của Argentina về mở rộng vùng lãnh hải trong giới 200-300 hải lý tính từ bờ biển.
Người dân Argentina mang biểu ngữ khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Malvinas |
“Chúng tôi tái khẳng định quyền chủ quyền đối với các nguồn lợi từ thềm lục địa - khoáng chất, nguồn hydrocarbon và các loài sinh vật. Tôi thành thực tin rằng đây là một thành quả ngoại giao quan trọng của Argentina. Đây là cơ hội lịch sử với Argentina bởi chúng ta đã có được bước tiến lớn trong việc phân định giới hạn mở rộng vùng thềm lục địa”, Ngoại trưởng Susana Malcorra tuyên bố. Phán quyết của CLCS giúp Argentina tăng 35% diện tích lãnh hải so với trước đây. Thứ trưởng Bộ này, ông Carlos Foradori, xem đây không phải là tranh chấp, mà là cách thức tạo dựng chủ quyền quốc gia trong hòa bình, với sự nỗ lực của các cơ quan, trong nhiều năm, qua nhiều chính phủ, với mục tiêu chung. Thành quả này không phải là sự tình cờ, mà là nhờ bước lập, triển khai kế hoạch - ông nhấn mạnh.
Tại Anh, Phát ngôn viên đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Mike Hookem đã chỉ trích quyết định của CLCS, yêu cầu chính phủ Anh “sát cánh với những người dân Falklands, và nói với LHQ rằng không chấp nhận phán quyết về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Argentina”. Quần đảo Falklands không thuộc vùng biển của Argentina và LHQ không nên thay đổi luật pháp quốc tế truyền thống chỉ vì lợi ích của một bên nào đó, nhất là khi nước đó đã có hành động làm hơn 1.000 thiệt mạng hồi năm 1982 - tuyên bố của UKIP nêu.
LHQ hiện chưa chính thức xác nhận tuyên bố mà chính quyền Buenos Aires đưa ra. London cũng không có bình luận gì về động thái này.
Falklands/Mavilnas có lịch sử rất phức tạp. Những nhà thám hiểm người Anh phát hiện ra hòn đảo vào năm 1592, nhưng nước này chưa tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Mãi đến năm 1690, nơi đây được đặt tên theo một đô đốc Anh đầu tiên đặt chân tới đây. đến thế kỷ 18, một nhóm người Pháp tới đây khai hoang và cư ngụ tại đây trong một thời gian ngắn, tiếp sau là Tây Ban Nha với việc tuyên bố chủ quyền với hòn đảo. Rắc rối nằm ở chỗ, Buenos Aires tuyên bố thừa hưởng Falklands/Malvinas từ Tây Ban Nha từ năm 1816, trong khi London bảo lưu quan điểm quản lý thực tế vùng lãnh thổ này liên tục từ năm 1833.
Falklands duy trì chế độ tự quản, nhưng nằm dưới sự bảo trợ về quốc phòng và ngoại giao của Anh. Năm 1982, chiến tranh Argentina-Anh nổ ra, do những tranh chấp căng thẳng đối với quần đảo này. Sau hơn hai tháng giao tranh, rốt cuộc Anh giành phần thắng và tiếp tục “làm chủ” Falklands. Cuộc chiến 10 tuần này khiến 650 binh sĩ Argentina cùng 255 lính Anh thiệt mạng. Quần đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương này cách xa nước Anh tới 13.000km, nhưng chỉ cách Argentina chừng 500km.
Năm 2011, London đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, để cư dân ở đây trả lời xem họ có muốn duy trì quy chế chính trị hiện nay là phần lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh hay không. 98% trả lời muốn duy trì “nguyên trạng”.