Theo Công ước Basel sửa đổi, được 180 chính phủ thông qua, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý, và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Trong một thông cáo báo chí, Ban thư ký Công ước cho biết sửa đổi trên sẽ "khiến cho hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, trong khi đảm bảo rằng việc xử lý chúng sẽ an toàn với sức khỏe con người và môi trường".
Nhật Bản, nước đã cùng với Na Uy trình dự thảo sửa đổi Công ước Basal, là nước xuất khẩu một phần rác thải nhựa của mình sang Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Việc thông qua Công ước sửa đối sẽ khiến Nhật Bản thúc đẩy các nỗ lực tái chế nhiều rác thải hơn nữa ở trong nước, thay vì xuất khẩu.
Theo Viện Quản lý rác thải nhựa có trụ sở ở Tokyo, trong tổng lượng chai lọ nhựa của Nhật Bản năm 2017 thì 23% được tái chế nhưng chỉ 40% số đó được tái chế trong nước. Nhật Bản phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tái chế rác với chi phí rẻ ở các nước đang phát triển.
Theo Chương trình Môi trường LHQ, khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra mỗi năm, trong đó 8 triệu tấn trôi ra các đại dương. Trong khi Trung quốc thải ra một lượng lớn rác thải nhựa trong năm 2015, Nhật Bản lại là nước có tỷ lệ bình quân rác thải theo đầu người cao thứ hai, sau Mỹ. Các con số rác thải đó chiếm một nửa rác thải nhựa trên toàn thế giới. Mỹ đã ký Công ước Basel năm 1990 nhưng vẫn chưa phê chuẩn.