Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và tổ chức từ thiện Save the Children, châu Phi là một trong những khu vực có số lượng trẻ em di cư cao nhất, những trẻ em này phải di dời do xung đột, đói nghèo và tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Giám đốc của IOM phụ trách khu vực Đông Phi, Nam Phi và vùng Sừng châu Phi Frantz Celestin cho biết chính phủ và các tác nhân phi nhà nước phải đảm bảo trẻ em di cư được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và bảo vệ chuyên biệt do những trẻ em này dễ bị tổn thương. Ông Celestin cho rằng cần huy động toàn bộ nguồn lực xã hội có liên quan để đảm bảo quyền được tôn trọng và bảo vệ của các trẻ em trong suốt quá trình di cư, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hợp tác xuyên biên giới nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nhập cư bất hợp pháp trong khu vực, thúc đẩy khả năng phục hồi của trẻ em thông qua tái hòa nhập dựa vào cộng đồng.
Được tổ chức hàng năm vào ngày 18/12, Ngày Quốc tế người di cư nhằm mục đích nêu bật sự đóng góp to lớn của khoảng 272 triệu người di cư, bao gồm 41 triệu người phải di dời trong nước trên toàn cầu và những thách thức mà họ phải đối mặt. Chủ đề của ngày này trong năm nay là "Tôn vinh những đóng góp của người di cư và tôn trọng quyền của họ", nhấn mạnh tác động tích cực của những người di cư đối với phúc lợi kinh tế xã hội của các quốc gia đón nhận.
Theo UNICEF, tính đến năm 2020, tại châu Phi có 6,2 triệu trẻ em di cư quốc tế. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, IOM đã thực hiện việc theo dõi 28.578 trẻ em di cư dọc theo tuyến đường phía Đông trải dài từ vùng Sừng châu Phi đến vùng Vịnh, trong đó 36% là trẻ em gái và 26% không có người đi kèm.
Các cơ quan của LHQ kết luận trẻ em châu Phi trên đường di cư đến vùng Vịnh, châu Âu hoặc khu vực phía Nam châu Phi đang phải đối mặt với nguy cơ bạo lực, bóc lột và lạm dụng cao hơn, nhiều trẻ em bị giam giữ, trong khi những trẻ em khác bị buôn bán để lao động cưỡng bức.