Ngày 22/6, LHQ một lần nữa lên tiếng kêu gọi thế giới tăng cường hành động để bảo vệ các nhà báo trong bối cảnh số vụ tấn công nhằm vào các nhà báo đang tác nghiệp tăng cao không thể chấp nhận được trên toàn cầu.
Các phóng viên Nga và Tây Ban Nha đưa tin về xung đột ở Daraa, miền nam Xyri ngày 1/3/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong báo cáo trình Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Giơnevơ (Thụy Sĩ), các chuyên gia LHQ nhấn mạnh các chính phủ, cộng đồng quốc tế, các tổ chức báo chí quốc gia và quốc tế cũng như chính các nhà báo cần hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ các nhà báo và quyền tự do thông tin. Báo cáo nêu rõ việc tấn công các nhà báo đang tác nghiệp đồng nghĩa với tấn công nền dân chủ. Các hành động tấn công nhằm vào nhà báo đang hoạt động nghiệp vụ bao gồm bắt giữ tùy tiện, tra tấn, giết hại, thậm chí bạo hành tình dục đối với các nhà báo nữ.
Báo cáo của các chuyên gia nhân quyền LHQ nhấn mạnh thế giới không thể một ngày vắng bóng hoạt động báo chí, nhưng hiện tại các nhà báo trên thế giới đang nằm trong số những người bị đe dọa tính mạng cao nhất. Việc không trừng phạt các tội phạm tấn công các nhà báo là nguyên nhân chủ yếu khiến các vụ giết hại nhà báo tăng cao trên thế giới. Báo cáo đề xuất các biện pháp đặc biệt về vật chất, pháp lý, giám sát và kiểm soát để bảo vệ các nhà báo.
Theo các tổ chức bảo vệ nhà báo quốc tế, năm 2011 là năm nguy hiểm đối với các nhà báo. Số liệu của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) cho thấy trong năm qua có ít nhất 78 nhà báo trên thế giới đã bị chết trong khi tác nghiệp. Con số này của Tổ chức nhà báo không biên giới (RWB) là 66 và của Chiến dịch tôn vinh báo chí (PEC) lên tới 106 nhà báo. Pakixtan và Mêhicô bị coi là nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo.
TTXVN/Tin tức