Dẫn lời Chủ tịch Abdulla Shahid, ngày 17/1, người phát ngôn ĐHĐ LHQ Paulina Kubiak cho biết các hoạt động ứng phó khi được triển khai tại SIDS thường bị hạn chế, trong khi các mạch nước ngầm rất dễ bị ô nhiễm và hầu hết các cơ sở hạ tầng đều nằm gần bờ biển. Bà nhấn mạnh: “Những gì chúng ta cần làm là nỗ lực để tăng cường khả năng phục hồi như đã nêu trong Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015 - 2030 và được cụ thể hóa trong Chương trình Nghị sự năm 2030”. Quan chức LHQ nhấn mạnh đây là một trong những minh chứng cho thấy sự đoàn kết quốc tế là vô cùng cần thiết trong ứng phó với khủng hoảng và tái thiết sau khủng hoảng.
Hiện LHQ và các cơ quan trực thuộc đã sẵn sàng sẵn sàng triển khai các nỗ lực cứu trợ cho quốc đảo Tonga.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric cho biết: “Các đồng nghiệp phụ trách các vấn đề nhân đạo của chúng tôi và chính phủ (Tonga) đã báo cáo về những thiệt hại cơ sở hạ tầng đáng kể tại Tongatapu (đảo chính), song chưa có liên lạc từ nhóm làm việc tại đảo Ha'apai. Chúng tôi cũng đặc biệt lo ngại về hai hòn đảo nhỏ, Mango và Fonoi, sau khi các chuyến bay giám sát xác nhận thiệt hại đáng kể về tài sản tại đây."
Ông Dujarric cho biết Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đang lập bản đồ để triển khai các nguồn cung cấp cứu trợ cũng như điều phối nhân sự thực hiện công tác này. WFP cũng cử kỹ sư tới hỗ trợ khôi phục đường dây liên lạc ở Tonga. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đang chờ xác nhận của Chính phủ Tonga trước khi vận chuyển hàng hóa hỗ trợ khẩn cấp từ các kho hàng tại Fiji và Brisbane (Australia). Những mặt hàng này bao gồm nước sạch, các bộ dụng cụ vệ sinh, thùng và xô chứa nước, bộ dụng cụ thử nghiệm hiện trường nước, lều, bạt che, đồ chơi cho trẻ em.
Ngoài ra, các cơ quan khác của LHQ làm việc trong lĩnh vực cứu trợ bao gồm Quỹ Dân số LHQ, Tổ chức Nông Lương, Tổ chức Di cư quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan ở Tonga, các đối tác nhân đạo và các nước tài trợ để hỗ trợ Tonga khắc phục hậu quả thiên tai.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết sóng thần đã gây ra thiệt hại lớn cho khu vực bờ biển phía Tây đảo Tongatapu, khi một số khu nghỉ dưỡng và nhà ở bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. OCHA cũng bày tỏ quan ngại về hai hòn đảo Mango và Fonoi, sau khi các chuyến bay giám sát xác nhận "thiệt hại đáng kể về tài sản" tại đây. OCHA cho biết trong điều kiện liên lạc gián đoạn như hiện nay, cơ quan này chưa thể đánh giá tác động toàn diện của vụ núi lửa phun trào và sóng thần, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình ô nhiễm nước uống và đất canh tác, và sự cần thiết phải có nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân.
Vụ phun trào núi lửa ở Tonga ngày 15/1 vừa qua là một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất từng ghi nhận trong nhiều thập kỷ, với những cột tro bụi bốc cao tới 30 km, trong khi tro bụi, khí gas và mưa axit từ hoạt động địa chất này cũng đã ảnh hưởng một vùng rộng khắp trên Thái Bình Dương. Sóng thần cũng xảy ra tại các quốc gia ven biển Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Mỹ.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào đã phủ lên Tonga một màn tro bụi dày đặc và phát sóng xung kích bao quanh toàn bộ Trái Đất, vốn được xem là “sát thủ vô hình” của tất cả các vụ nổ (tự nhiên hay nhân tạo), gây nên hàng loạt cái chết cho con người và sự sụp đổ của các công trình, tòa nhà trên Trái Đất. Với vận tốc xuất hiện nhanh hơn vận tốc âm thanh (vận tốc âm thanh trong không khí là 344 mét/giây), sóng xung kích có thể thổi bay và san phẳng mọi thứ trên đường đi của nó.
Hiện vẫn chưa có báo cáo chính thức về hậu quả của thảm họa kép núi lửa phun trào và sóng thần tại Tonga, nhưng các hình thức liên lạc bằng điện thoại và Internet đều bị gián đoạn nghiêm trọng và dự kiến khó có thể khắc phục trong vài tuần tới. Thủ đô Nuku'alofa của Tonga được dự báo sẽ bị bao phủ dưới 1-2 cm tro bụi, có khả năng gây ngộ độc nguồn nước và gây khó khăn cho vấn đề hô hấp của người dân.