Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết đã mua 2,43 tỷ liều vaccine cho 100 quốc gia từ năm 2019 để có thể tiến hành tiêm chủng cho khoảng 45% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, từ ngày 22/3, cơ quan này cho biết kế hoạch vận chuyển các lô hàng vaccine này đã giảm 70-80% so với kế hoạch do ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế đối với các chuyến bay thương mại. UNICEF nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan đến hậu cần chưa từng xảy ra do các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 - dịch bệnh đã làm hơn 233.000 người tử vong và gần 3,3 triệu người mắc bệnh trong vài tháng qua.
UNICEF và các tổ chức khác đã cảnh báo việc giảm tiêm chủng thông thường có thể thúc đẩy nguy cơ bùng phát các bệnh dịch khác. Tổ chức này đã kêu gọi các bên liên quan hỗ trợ để có thể giải quyết các lô hàng vaccine đang tồn đọng.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của UNICEF Marixie Mercado cho hay hàng chục quốc gia có nguy cơ thiếu hụt do không thể vận chuyển được các lô hàng vaccine. Bà Marixie Mercado cảnh báo rằng 26 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi nhưng cũng có một số quốc gia châu Á như Triều Tiên và Myanmar, có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng.
Phát ngôn viên UNICEF cho biết chi phí đảm bảo vận chuyển hàng không đã tăng vọt, với giá cước hiện tại lên tới 200% so với giá bình thường. Bà Marixie Mercado nhấn mạnh các quốc gia có nguồn lực hạn chế sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể chi trả được những mức giá này, khiến cho trẻ em tại các quốc gia này dễ bị mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như bệnh bại liệt và bệnh sởi.
Bà Marixie Mercado cũng cho biết ngay cả trước đại dịch COVID-19, khoảng 20 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, bại liệt và các bệnh khác mỗi năm. Và sự gián đoạn tiêm chủng thông thường, đặc biệt là ở các nước có hệ thống y tế kém phát triển, có thể dẫn đến những dịch bệnh nghiêm trọng trong năm 2020 hoặc trong tương lai.