Trong một báo cáo mới được gửi lên Hội đồng Bảo an (HĐBA), các chuyên gia LHQ phụ trách giám sát các biện pháp trừng phạt và cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan kêu gọi cần có "nguồn xung lực mới từ các đối tác khu vực và quốc tế nhằm làm giảm bớt những rạn nứt về an ninh và chính trị đang gia tăng tại Nam Sudan". Các chuyên gia cũng kêu gọi tiếp tục duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan sắp hết hạn vào cuối tháng 5 tới và cần có các biện pháp trừng phạt mới đối với những kẻ cản trở việc thực thi thỏa thuận hòa bình ký năm 2018 cũng như hoạt động phân phối hàng viện trợ nhân đạo.
Báo cáo nhấn mạnh kể từ tháng 2/2020, nỗ lực cải tổ và thực thi thỏa thuận hòa bình của chính phủ Nam Sudan tiến triển chậm chạp đã cản trở những tiến bộ trong việc bảo vệ thường dân và triển vọng về một nền hòa bình lâu dài. Báo cáo đánh giá, những tranh chấp chính trị tại Nam Sudan kéo dài suốt hơn một năm qua về phương thức thực thi thỏa thuận hòa bình đã khoét sâu thêm những chia rẽ về chính trị, quân sự và sắc tộc đang tồn tại ở quốc gia châu Phi này. Những tranh chấp đó đã châm ngòi cho tình trạng gia tăng các vụ bạo lực giữa hai phe tham gia ký thỏa thuận là chính phủ của Tổng thống Salva Kirr và Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA/M) của Phó Tổng thống Riek Machar. Tình cảnh này khiến 8,5 triệu người dân Nam Sudan cần được hỗ trợ nhân đạo "hơn bao giờ hết". Các chuyên gia LHQ cho rằng "cần can thiệp khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ nước này quay trở lại một cuộc xung đột quy mô lớn".
Kể từ khi giành được độc lập vào năm 2011, Nam Sudan bị tàn phá trong các cuộc xung đột bạo lực khiến hơn 380.000 người thiệt mạng. Cuộc khủng hoảng tại nước này đã phần nào được tháo gỡ hồi tháng 2/2020 sau khi Tổng thống Salva Kiir đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với đối thủ Riek Machar. Tuy nhiên, giới quan sát đã cảnh báo nguy cơ xung đột tái bùng phát do thỏa thuận ngừng bắn chưa mang lại nhiều tiến triển như kỳ vọng.