Lễ Ramadan giữa đại dịch COVID-19 của người Hồi giáo

Lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu từ tuần này trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm đảo lộn nhịp sống trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Tín đồ Hồi giáo thực hiện nghi lễ xả chay trong tháng Ramadan. Ảnh: DPA

Theo tờ DW (Đức), khủng hoảng dịch bệnh đã buộc các tín đồ Hồi giáo phải suy nghĩ lại về nghi lễ truyền thống và tìm ra cách thức mới để thích ứng với một trong những lễ hội quan trọng nhất với người Hồi giáo. 

Đây là dịp các tín đồ đạo Hồi thường dành nhiều thời gian hơn cho lễ cầu nguyện tại nhà thờ và lễ xả chay (Iftar) cùng với bạn bè và người thân tại gia đình. Nhưng năm nay mọi thứ sẽ khác. Đại dịch COVID-19 đã khiến các sự kiện tín ngưỡng trên toàn thế giới bị thu hẹp về quy mô và chính quyền các nước Hồi giáo phải đối mặt với bài toán nan giải liên quan đến tổ chức lễ Ramadan. 

Ngày 19/4, Hội đồng Giáo sĩ Cấp cao Saudi Arabia (CSS) - cơ quan tôn giáo cao nhất của nước này - đã kêu gọi các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới cầu nguyện tại nhà trong dịp lễ Ramadan nếu như chính quyền sở tại thực thi các yêu cầu giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh. “Các tín đồ cần tránh tụ tập đông người, bởi đây là nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh lây lan. Cần phải ghi nhớ rằng giữ gìn mạng sống của con người là hành động vĩ đại đưa các tín đồ đến gần với Chúa hơn”, thông báo của CSS nêu rõ. 

Trước đó, Bộ trưởng Vấn đề Hồi giáo Saudi Arabia cho biết các tín đồ theo đạo Hồi ở nước này chỉ có thể cầu nguyện tại nhà trong tháng Ramadan, bắt đầu từ ngày 23/4. Chính quyền Saudi Arabia cũng đã kêu gọi người Hồi giáo trên toàn thế giới ngừng kế hoạch hành hương tới thánh địa Mecca trong năm nay. Tương tự, Ai Cập từ đầu tháng 4 đã ban hành lệnh cấm tụ tập đông người tại những địa điểm tín ngưỡng công cộng trong tháng Ramadan. 

Câu hỏi về có nhịn ăn, nhịn uống hay không trong dịp lễ Ramadan thời COVID-19 cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi. Bình thường, chỉ những người thuộc các nhóm đối tượng như ốm bệnh, phụ nữ mang thai, khách du lịch, người già… mới được miễn trừ quy định nhịn ăn, uống từ khi Mặt Trời mọc đến lúc Mặt Trời lặn. Giới bác sĩ tại nhiều nước phản đối quy định nhịn ăn, nhịn uống với lý do nếu làm vậy cổ họng dễ khô, làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Thay vào đó, họ cho rằng các tín đồ cần tăng đồ quyên góp cho người nghèo, mua thực phẩm qua mạng và chuyển đến địa chỉ những người cần giúp đỡ. 

Tuy nhiên, những học giả tại Đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo, Ai Cập, chuyên nghiên cứu về giáo luật lại cho rằng quy định nhịn ăn, nhịn uống trong dịp Ramadan vẫn bắt buộc với tất cả mọi tín đồ theo quy định, trừ khi cơ thể xuất hiện những tác động tiêu cực mà virus gây ra, nhưng phải có xác thực của bác sĩ, chuyên gia y tế. 

Theo tờ Gulf News, địa điểm thực hiện nghi lễ năm nay cũng khác biệt. Đối với các tín đồ Hồi giáo, nghi lễ cầu nguyện và xả chay thường là dịp để gắn kết với cộng đồng. Đương nhiên, họ thích cầu nguyện tại các thánh đường hơn, nhưng do dịch COVID-19 cùng với quy định giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều nước, nên buổi lễ này sẽ được thực hiện tại phòng khách.

Còn với lễ Iftar, nhiều người bắt đầu hướng sang thực hiện nghi lễ qua mạng, dựa trên các nền tảng mạng xã hội, video trực tuyến. Tại Anh, tổ chức Dự án Lều Ramadan (Ramadan Tent Project) sẽ đứng ra tổ chức lễ xả chay cộng đồng dựa trên nền tảng Zoom, phát trực tiếp trên Facebook để phục vụ những người cảm thấy cô đơn trong tháng lễ Ramadan. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
ICESCO thành lập liên minh ứng phó tác động dịch bệnh tới cộng đồng Hồi giáo
ICESCO thành lập liên minh ứng phó tác động dịch bệnh tới cộng đồng Hồi giáo

Ngày 10/4, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thế giới Hồi giáo (ICESCO), có trụ sở tại Maroc, thông báo đã thành lập một liên minh toàn cầu ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) với cộng đồng người Hồi giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN