Theo đó, các đền thờ sẽ đóng cửa ít nhất là tới ngày 25/3. Mỗi năm các đền thờ Hồi giáo ở Iran thu hút hàng triệu người Hồi giáo dòng Shiite trong nước và nước ngoài tới hành lễ. Trước khi đưa ra quyết định đóng cửa các đền thờ vốn là địa điểm rất linh thiêng với các tín đồ Hồi giáo, Chính phủ Iran đã phải tham vấn với các giáo chủ có ảnh hưởng trên cả nước và thuyết phục họ đồng thuận với quyết định này.
Hồi tuần trước, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã kêu gọi các địa điểm tôn giáo trên cả nước hợp tác với Bộ Y tế và tuân thủ các hướng dẫn của bộ về phòng chống dịch bệnh. Tới nay, tổng cộng 14.991 người Iran nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 853 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Iraq thông báo thêm một ca tử vong vì bệnh COVID-19 tại quốc gia này trong khi số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 6 ca lên mức 133 ca. Trong tổng số 133 ca nhiễm, 10 ca được xác nhận tử vong, 32 ca đã hồi phục. Hôm 15/3, chính phủ nước này đã ban hành một số biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong đó lệnh giới nghiêm kéo dài một tuần tại thủ đô Baghdad. Các cơ quan chính phủ và phi chính phủ cũng được yêu cầu tạm dừng làm việc, ngoại trừ các cơ quan an ninh, dịch vụ, y tế và ngoại giao, hãng thông tấn quốc gia. Hoạt động giao thương hàng hóa và thực phẩm. Hoạt động đi lại liên tỉnh của cư dân cũng được hạn chế, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa và nhu yếu phẩm khẩn cấp.
Trong khi đó, Chính phủ Jordan đã yêu cầu đóng cửa tất cả các nhà hàng từ ngày 17/3 và cân nhắc áp dụng thiết quân luật, luật vốn chỉ được áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp, để tăng cường quyền lực cho các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Luật này cho phép hạn chế tụ tập nơi công cộng, hạn chế dân cư đi lại và bắt giữ những người tình nghi làm suy yếu an ninh quốc gia. Bộ trưởng Truyền thông Jordan Amjad Adailehcho biết số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này đã tăng lên 20. Jordan cũng đã bắt đầu thực hiện lệnh cách ly bắt buộc với tất cả các du khách tới quốc gia này. Du khách được cách ly tại những địa điểm là các khách sạn 4 hoặc 5 sao ở thủ đô Amman và vùng Biển Chết.
Tunisia cũng đã đóng cửa biên giới với quốc gia láng giềng Libya để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bộ Giao thông nước này khẳng định chính phủ đang thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân trong bối cảnh "bất thường và nguy hiểm" như lúc này. Hôm 15/3, quốc gia này xác nhận 20 ca mắc bệnh COVID-19 trong đó có 11 ca là du khách nước ngoài và 9 ca là người dân địa phương.
Tại Liban, các ngân hàng đã được yêu cầu đóng cửa từ ngày 17-29/3 để đảm bảo sức khỏe cho các nhân viên. Theo Hiệp hội Ngân hàng Liban, các ngân hàng sẽ chỉ duy trì hoạt động trả lương bằng đồng nội tệ và những giao dịch cần thiết cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và vật tư y tế. Từ hôm 15/3, chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế trên cả nước vì dịch bệnh COVID-19, đóng cửa hầu hết các cơ sở công và tư nhân.
Ngân hàng trung ương Nigeria ngày 16/3 công bố gói hỗ trợ 135 triệu USD dành cho các doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh. Nigeria, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất tại châu Phi, đang đối mặt với tình hình tài chính đặc biệt khó khăn, khi dịch bệnh COVID-19 khiến giá dầu mỏ giảm mạnh. Chính phủ nước này cũng thừa nhận sẽ phải thu hẹp ngân sách khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh trong khi các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ suy thoái nếu giá dầu vẫn theo đà giảm trong thời gian dài. Gói hỗ trợ kể trên dành cho các doanh nghiệp chịu tác động trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, hàng không và dịch vụ chăm sóc y tế. Dù tới nay quốc gia châu Phi này mới ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 nhưng giới chuyên gia cảnh báo dịch bệnh có thể sẽ lây lan nhanh tại quốc gia với mật độ dân số cao trong khi hệ thống chăm sóc y tế không đảm bảo.