Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Jonathan Rath Hoffman, lực lượng quân đội đã được triển khai đồn trú tại các căn cứ quân sự ở vùng Quốc hội, chứ không phải ở thủ đô. Ông cho biết lực lượng được triển khai bao gồm quân cảnh, cùng một số tiểu binh đoàn bộ binh. Ông Hoffman nhấn mạnh lực lượng này được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, song không tham gia công tác phòng hộ trước các hoạt động dân sự.
Trong khi đó, chiều 2/6 (theo giờ Mỹ), hàng nghìn người đã tập trung tại khu vực trung tâm của thành phố Houston, bang Texas phản đối cái chết của công dân da màu George Floyd - người đã tử vong sau khi bị cảnh sát ở Minnesota bắt giữ.
Cuộc tuần hành này do thân nhân của Floyd tổ chức, đã diễn ra ôn hòa. Nhiều người tham gia tuần hành trước đó đã dành một phút mắc niệm và cầu nguyện vì hòa bình.
Liên quan đến vụ việc này, chính quyền bang Minnesota ngày 2/6 đã cáo buộc Sở cảnh sát thành phố Minneapolis về cái chết của George Floyd, đồng thời thông báo mở cuộc điều tra sở cảnh sát này để xác định có hay không xảy ra tình trạng hành xử phân biệt có hệ thống tại đây.
* Cùng ngày 2/6, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã diễn ra tại Pháp và Australia.
Bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người trong thời kỳ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khoảng 20.000 người tại thủ đô Paris đã xuống đường biểu tình phản đối cái chết của một người đàn ông da màu khi bị cảnh sát Pháp bắt giữ năm 2016. Nhiều khẩu hiệu, băng rôn có nội dung tương tự trong các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Mỹ. Một số đối tượng quá khích sau đó đã đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng chức năng phải sử dụng đạn cao su, hơi cay để đảm bảo an ninh.
Trong khi đó, tối 2/6, hàng trăm người đã tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Sydney, Australia tiến hành cuộc biểu tình ôn hòa phản đối cảnh sát Mỹ gây ra cái chết của George Floyd, đồng thời kêu gọi chính phủ nước này cần nỗ lực bảo vệ người bản địa Australia.
Theo phóng viên TTXVN tại Canberra, đoàn biểu tình đã tập trung tại khu vực công viên Hyde Park sau đó tuần hành hướng đến khu vực tòa nhà quốc hội bang New South Wales. Theo kế hoạch ban đầu, đoàn biểu tình dự kiến sẽ tuần hành tiếp đến khu vực Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Sydney, tuy nhiên kế hoạch này bị hủy bỏ do không được chính quyền cấp phép.
Những người tham gia tuần hành tại Sydney tối 2/6 đã kêu gọi chính phủ nước này cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng những người bản địa bị chết trong tù. Những người bản địa chiếm khoảng 2% dân số tuy nhiên lại chiếm tới 27% số người đang bị giam giữ trong các nhà tù của Australia, trong đó có khoảng 430 người đã thiệt mạng kể từ năm 1991 cho đến nay.
Theo các kênh truyền thông tại Australia, có khoảng 36.000 người dân nước này đã đăng ký tham gia các cuộc tuần hành trên khắp đất nước. Dự kiến, ngày 6/6 tới, nhiều cuộc tuần hành quy mô lớn hơn sẽ diễn ra ở nhiều thành phố lớn của Australia như Sydney, Melbourne, Adelaide và thủ đô Canberra.