Các vị tướng lĩnh trong nhiều năm khẳng định rằng nếu Triều Tiên phóng một quả tên lửa vào lãnh thổ Mỹ thì Lầu Năm Góc sẽ bắn hạ vũ khí này. Kênh CNN mới đây dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét luyện tập bắn hạ tên lửa đạn đạo giữa tình hình căng thẳng xung quanh việc Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ phóng cũng như duy trì chương trình hạt nhân đã đạt đỉnh điểm.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và điều tra viên của chính phủ Mỹ lại nghi ngờ về nhận định này. NBC News dẫn lời nhà vật lý học David Wright tại Ủy ban các nhà khoa học quan tâm (Mỹ) nhận định: “Họ đang khiến các chính trị gia tin rằng họ mang khả năng quân sự mà trên thực chất không hề tồn tại”.
GMD trong một lần thử nghiệm vào năm 2014 tại bang California. Ảnh: Reuters |
Và nhân vật chính của băn khoăn này chính là Hệ thống đánh chặn tên lửa Mặt đất (GMD) có chiều cao hơn 18m với khả năng “đốn hạ” kẻ thù, được so sánh như phương pháp dùng đạn đối đầu với đạn.
Lầu Năm Góc từng tuyên bố hệ thống trị giá 40 tỉ USD này sẽ là người bảo vệ chính mà Mỹ dựa vào để ngăn chặn tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân (đầu đạn hạt nhân) được phóng từ Triều Tiên hoặc Iran.
Chris Johnson, phát ngôn viên của Cục Phòng thủ tên lửa thuộc Lầu Năm Góc, cho biết cơ quan này “tự tin vào khả năng của Mỹ để bảo vệ lãnh thổ trước các mối đe dọa tên lửa”. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều cải tiến trong các năm gần đây để đảm bảo rằng hệ thống GMD có khả năng vận hành như đã thiết kế”, ông Johnson nói.
Theo Cục Phòng thủ tên lửa, có 4 GMD đang được đặt tại căn cứ không quân Vandenberg ở California và 32 hệ thống tương tự tại Alaska. 8 GMD khác dự kiến sẽ xuất hện vào cuối năm nay.
Các GMD đều được đặt tại Alaska và California vì Bờ Tây nước Mỹ là khu vực lý tưởng để đánh chặn tên lửa di chuyển trong quãng đường ngắn từ cả Iran hoặc Triều Tiên. Hiện nay, Quốc hội Mỹ đang đẩy nhanh việc triển khai GMD tới các địa điểm ở Bờ Đông của nước này.
Khác với hệ thống Vòm sắt của Israel có cơ chế hoạt động là xử lý tên lửa tầm ngắn thì GMD mang nhiệm vụ đánh chặn tên lửa từ trên bầu khí quyển của Trái Đất. Được biết GMD là “hậu duệ” của Sáng kiến Phòng thủ tên lửa chiến lược dưới thời Tổng thống Mỹ thứ 33 Ronald Reagan.
Bộc lộ điểm yếuNăm 2016, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ, cơ quan điều tra về vũ khí thuộc Quốc hội, kết luận rằng đơn vị chịu trách nhiệm về hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này “qua các cuộc thử nghiệm đã không chứng minh được khả năng bảo vệ quốc gia”.
Theo tờ Los Angeles Times, trong 9 lần được điều động để thử nghiệm kể từ khi GMD “nhập ngũ”vào năm 2004, hệ thống đánh chặn này đã thất bại và để đối thủ “vượt mặt” 6 lần. Điều đáng lo ngại là tính thách thức trong các cuộc thử nghiệm chưa thể đạt được mức độ như trên trận địa thật.
Các quan chức quốc phòng thị sát GMD vào năm 2009. |
Trong tháng 7/2016, Ủy ban các nhà khoa học quan tâm đã đưa ra bản báo cáo dài 47 trang trong đó có bao hàm kết luận rằng GMD qua các thuộc thử nghiệm bộc lộ sự yếu kém trong việc ngăn chặn tên lửa của đối thủ ở tình huống thực.
Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ vào năm 2012 đã gọi GMD là “chưa đủ khả năng” và đề xuất chỉnh sửa lại các bộ phận cảm biến, đánh chặn cũng như phương thức hoạt động tuy nhiên chưa có bất kỳ thay đổi nào được tiến hành trên thực tế.
Một trong những biện pháp mà các quan chức quân sự dự định sử dụng để bù đắp cho thiếu sót của GMD là phóng từ 4 đến 5 tên lửa đánh chặn nhằm vào một mục tiêu để đảm bảo kết quả. Tuy nhiên Ủy ban các nhà khoa học quan tâm lại ước tính rằng nếu 5 tên lửa hướng đến Mỹ cùng một lúc và mỗi tên lửa đánh chặn có 50% nhắm trúng mục tiêu thì sẽ có 28% khả năng vẫn có một tên lửa đối thủ “lọt lưới”.
NBC News dẫn lời ông Wright cho biết GMD dựa vào cảm biến nhiệt để phân biệt giữa đầu đạn thật và vũ khí nghi trang do vậy nhà vật lý này cho rằng GMD hoàn toàn có thể bị đánh lừa bằng biện pháp đơn giản là dùng ni-tơ lỏng để “hạ nhiệt” cho đầu đạn trước khi phóng.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửaLầu Năm Góc và Cục Phòng thủ tên lửa hoàn toàn phủ nhận những nhận xét rằng GMD "yếu kém". Các quan chức quân sự nhiều lần khẳng định với các nhà làm luật và công chúng rằng hệ thống này mặc dù có nhiều thất bại trong thử nghiệm nhưng vẫn theo kịp được nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ.
Trụ sở Lầu Năm Góc tại Washington. Ảnh: Reuters |
Ngày 6/4, trước Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ, chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền Bắc Lori Robinson nêu rõ: “Chúng ta có chính xác những thứ cần thiết để bảo vệ nước Mỹ trước Triều Tiên”.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham liền đặt câu hỏi: “Vậy vào năm sau, nếu Triều Tiên phóng tên lửa thì chúng ta có hạ được vũ khí đó không?”. Ông Robinson đáp ngắn gọn: “Có, thưa ngài”.
Các cơ quan tình báo không cho rằng Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Mỹ nhưng nhiều chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng đang trên đường hướng tới mục tiêu này.
Nhiều nghi ngại cho rằng Lầu Năm Góc đã tiêu phí 40 tỉ USD cho một hệ thống chưa thể chứng tỏ được năng lực nếu xảy ra tình huống xung đột thật sự.
Tuy nhiên nhiều ý kiến lại lạc quan cho rằng hầu hết các cuộc thử nghiệm thất bại lại chính là một phần của việc học hỏi và rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện GMD.