Chiến lược an ninh mạng mới mà Lầu Năm Góc dự kiến công bố ngày 23/4 (theo giờ Mỹ) sẽ lần đầu tiên tuyên bố công khai rằng các kế hoạch quân sự của Mỹ sẽ sử dụng tác chiến mạng như một phương án khi xung đột với kẻ thù.Tài liệu về "Chiến lược an ninh mạng", dài 33 trang, mà AP có được nêu rõ Bộ Quốc phòng Mỹ “cần có khả năng sử dụng các chiến dịch trên mạng để đánh sập mạng lưới chỉ huy-kiểm soát, cũng như cơ sở hạ tầng trọng yếu liên quan đến quân sự và năng lực vũ khí của đối phương”.
Trả lời báo giới tại bang California, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói: “Tôi nghĩ thế giới cần hiểu rằng trước tiên, chúng tôi phải tự bảo vệ bản thân…”. Ông Carter cho biết thêm rằng chiến lược mới “rõ ràng và chi tiết hơn về mọi khía cạnh, trong đó có năng lực phòng thủ (của Mỹ)".
Các cuộc tấn công mạng nhằm vào chính phủ và ngành công nghiệp Mỹ đang ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Đây là lần thứ hai Bộ Quốc phòng Mỹ công bố chiến lược về an ninh mạng sau lần công bố đầu tiên hồi năm 2011, trong đó đề cập rất ít đến năng lực tác chiến mạng của Lầu Năm Góc. Văn kiện mới đưa ra cách tiếp cận cởi mở hơn một phần do giới chức Mỹ nói rằng Lầu Năm Góc muốn minh bạch hơn trong các sứ mệnh trên không gian mạng và vì việc này có thể tăng cường khả năng răn đe tiềm tàng với các đối thủ.
Chiến lược mới nêu rõ: “Trong bối cảnh căng thẳng và các hành động thù địch gia tăng, Bộ Quốc phòng phải có khả năng cung cấp cho Tổng thống nhiều phương án để kiểm soát xung đột leo thang”. Cũng theo chiến lược an ninh mạng mới, Quân đội Mỹ phải có năng lực về an ninh mạng đủ để “đạt được các mục tiêu an ninh một cách chính xác, trong khi giảm thiểu được tổn thất về người và tài sản”.
Chiến lược trên được công bố trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama hồi tháng trước đã quyết định trừng phạt tài chính đối với các tin tặc nước ngoài cũng như các công ty do thám mạng đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Các công ty này có thể bao gồm các tập đoàn quốc doanh tại Nga, Trung Quốc hay các nước từ lâu đã bị liệt vào dạng kẻ thù trên không gian mạng.
TN (theo AP)