Tham dự sự kiện này có các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ 10 nước thành viên ASEAN, trong khi lãnh đạo Timor-Leste sẽ lần đầu tiên có mặt sau khi nhận được tư cách quan sát viên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 ở Phnom Penh, Campuchia, vào tháng 11/2022.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 là một trong hai hội nghị cấp cao được tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch năm 2023 của Indonesia. Trong thông cáo ngày 29/4, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề nội khối, cũng như các vấn đề quan trọng trong và ngoài khu vực.
Trong khi đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới tại thủ đô Jakarta sẽ thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác nhằm thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 có 8 cuộc họp cấp cao, trong đó Tổng thống Joko Widodo sẽ chủ trì 7 cuộc, bao gồm phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp, cùng các cuộc gặp với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), đại diện thế hệ trẻ ASEAN (ASEAN Youth), Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) và Hội nghị thượng đỉnh Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT) lần thứ 15.
Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, cuộc họp cấp cao còn lại là Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei Darussalam-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP-EAGA) lần thứ 15 sẽ do Thủ tướng Malaysia chủ trì trên cơ sở luân phiên.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết một số vấn đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 bao gồm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, dự thảo Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, tình hình Myanmar, phục hồi kinh tế hậu đại dịch, tăng cường cấu trúc y tế trong khu vực, cũng như các vấn đề quan trọng khác trong khu vực và ngoài khu vực.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 cũng dự kiến thông qua một số văn kiện như Tuyên bố chung về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025; phòng chống tội phạm buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ; bảo vệ lao động di cư trong thời kỳ khủng hoảng; y tế; hệ sinh thái xe điện; và phát triển mạng lưới làng xã ASEAN.
Theo chương trình, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tham dự Tiệc chiêu đãi và Ngắm hoàng hôn vào ngày 10/5. Trong khi đó, một loạt chương trình cũng được chuẩn bị cho phu nhân và phu quân các nhà lãnh đạo ASEAN. Ngoài ra, chủ nhà Indonesia cũng sẽ tổ chức một loạt sự kiện bên lề trong khuôn khổ Lễ hội dân gian diễn ra từ ngày 9-13/5, bao gồm nhiều buổi giới thiệu sản phẩm địa phương, thu gom rác bãi biển và biểu diễn văn nghệ.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 được coi là cơ hội tốt để Indonesia quảng bá du lịch Labuan Bajo với tư cách là “điểm đến siêu ưu tiên” tới công chúng trong và ngoài khu vực, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi ngành “công nghiệp không khói” của “quốc gia vạn đảo” này sau đại dịch COVID-19.