Lãnh đạo Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm về tình hình Libya

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, ngày 14/7, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm thảo luận về diễn biến tình hình tại Libya cũng như quan hệ kinh tế song phương.

Chú thích ảnh
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) được triển khai tới thành phố Benghazi, Libya, ngày 18/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí "hợp tác chặt chẽ hơn, với tư cách các đồng minh, để thúc đẩy hòa bình và ổn định lâu dài ở Libya". 

Phó Thư ký Nhà Trắng Judd Deere xác nhận cuộc điện đàm trên, đồng thời chia sẻ trên Twitter rằng hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của "giải pháp thông qua đàm phán đối với các vấn đề khu vực".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Tunisia Noureddine Erray cũng đã có cuộc điện đàm thảo luận về tình hình Libya cùng một số vấn đề khác trong khu vực. 

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Tunisia dẫn lời Ngoại trưởng Erray nhấn mạnh "việc phối hợp các nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng và toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại Libya thông qua đối thoại quốc gia và tôn trọng luật pháp quốc tế là rất cần thiết". Tunisia cam kết không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya, đồng thời sẽ thúc đẩy tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại đất nước này.

Hiện tại ở Libya tồn tại hai chính quyền song song được sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm vũ trang hậu thuẫn, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA và đã hỗ trợ quân sự giúp chính phủ này chống chiến dịch tấn công của LNA phát động từ tháng 4/2019 nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli. 

Mỹ ủng hộ GNA, song các đồng minh của Washington như Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Saudi Arabia hậu thuẫn Tướng Haftar.   

Liên quan tình hình Libya, truyền thông Ai Cập ngày 14/7 dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội nước này Soliman Wahdan cho biết các nghị sĩ Ai Cập đánh giá cao quyết định của cơ quan lập pháp chính quyền miền Đông Libya "bật đèn xanh" để Cairo can thiệp quân sự nếu cần thiết để "bảo vệ an ninh quốc gia" của cả hai bên. Theo ông Wahdan, các nghị sĩ Quốc hội Ai Cập cam kết lãnh đạo và nhân dân Ai Cập sẵn sàng bảo vệ Libya.

Trước đó, tối 13/7, cơ quan lập pháp chính quyền miền Đông Libya, trụ sở tại thành phố Tobruk, đã nhất trí "cho phép các lực lượng vũ trang Ai Cập can thiệp với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia của Libya và Ai Cập nếu nhận thấy mối đe dọa đối với cả hai bên". Đề cập các hoạt động hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chính phủ GNA ở thủ đô Tripoli, tuyên bố của cơ quan lập pháp chính quyền miền Đông Libya cho rằng "Libya và Ai Cập cần phải hợp tác nhằm ngăn chặn hành động tấn công của nước ngoài và bảo vệ an ninh quốc gia chung của hai bên".

Tháng trước, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng cảnh báo nước này có thể cử binh sĩ đến Libya, sau khi các lực lượng GNA đẩy lùi lực lượng LNA khỏi các khu vực xung quanh thủ đô Tripoli. Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh mong muốn của Cairo là khôi phục an ninh, ổn định và phát triển tại Libya.

Công Đồng - Việt Khoa (TTXVN)
Khả năng Ai Cập can thiệp quân sự vào Libya
Khả năng Ai Cập can thiệp quân sự vào Libya

Các nhà lập pháp trong chính quyền ở miền Đông được lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn đã "bật đèn xanh" để Ai Cập can thiệp quân sự nếu điều này là cần thiết để bảo vệ điều gọi là "an ninh quốc gia" của cả hai bên. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN