Một quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết: “Các nhà lãnh đạo G7 sẽ đồng ý phối hợp về việc nếu hoặc khi nào công nhận Taliban. Họ sẽ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng nhau". Họ có thể sử dụng khả năng thống nhất để công nhận chính thức hoặc gia hạn các biện pháp trừng phạt để thúc đẩy Taliban tuân thủ các cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ và quan hệ quốc tế.
Các nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ thảo luận về khả năng kéo dài thời hạn chót là ngày 31/8 rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan nhằm giúp Mỹ và các quốc gia khác có thời thêm thời gian nhằm xác định vị trí và sơ tán các công dân của mình, những người Afghanistan đã hỗ trợ lực lượng NATO và Mỹ, cũng như những người dễ bị tổn thương khác.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng sẽ cam kết phối hợp về bất kỳ lệnh trừng phạt nào, tái định cư làn sóng người tị nạn và những lo ngại về khả năng có thể xảy ra các cuộc tấn công của các nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Ngoài ra, hội nghị sẽ xem xét các nỗ lực sơ tán hiện tại và cam kết phối hợp chặt chẽ đối với các bước tiếp theo, bao gồm an ninh, hỗ trợ nhân đạo, tái định cư người tị nạn và các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với Taliban.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 23/8 nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo G7 cần thảo luận việc phối hợp trong hoạt động sơ tán khỏi sân bay Kabul và xem xét liệu có cần tiếp tục duy trì hoạt động sơ tán sau thời hạn chót ngày 31/8 mà Mỹ đã đặt ra hay không.
Theo Ngoại trưởng Maas, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 24/8, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận cách thức cải thiện khả năng tiếp cận cho người sơ tán tới sân bay Kabul. Ngoài ra, Đức cũng đang tìm kiếm các lựa chọn để duy trì hoạt động của sân bay thêm nhiều ngày sau thời hạn chót ngày 31/8. Ông Maas nhấn mạnh: "Chúng tôi đang thảo luận với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác khác nhằm mục đích tạo điều kiện cho hoạt động sân sự của sân bay Kabul phục vụ hoạt động sơ tán (sau ngày 31/8)".
Hiện Mỹ chưa có quyết định về việc liệu có kéo dài thời hạn chót này hay không. Nhà ngoại giao Đức cũng cho biết Berlin sẽ phải tiếp tục đàm phán với Taliban về vấn đề này. Theo Ngoại trưởng Maas, G7 cũng cần thảo luận về việc hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn cũng như cách thức ứng phó với "dòng người di cư" từ Afghanistan.
Trong gần một tuần qua, tính đến chiều tối 23/8, hãng hàng không Đức Lufthansa đã chuyên chở trên 1.500 người sơ tán khỏi Afghanistan từ thủ đô Tashkent (CH Uzbekistan) về Đức. Số người này được đưa về Đức qua cầu hàng không với 12 chuyến bay với các máy bay tầm xa Airbus A340. Đối với Mỹ, một phát ngôn viên Quân đội nước này ở châu Âu cho biết khoảng 4.000 người sơ tán khỏi Afghanistan có thể tạm cư ngụ ở Đức trong các căn cứ Mỹ tại bang Bayern và Rheinland-Pfalz.
Theo người phát ngôn, công tác chuẩn bị đang được tiến hành tại các căn cứ ở Grafenwöhr (bang Bayern) và Kaiserslautern (bang Rheinland-Pfalz), và những người được sơ tán sẽ ở tạm các cơ sở này cho đến khi được chuyển đến địa điểm cuối cùng. Hiện Mỹ đang sử dụng căn cứ khổng lồ của mình ở Ramstein thuộc bang Rheinland-Pfalz làm trung tâm sơ tán người tị nạn khỏi Afghanistan.