Bà Cooke khẳng định "cần đảm bảo sự tiếp cận vaccine trên toàn thế giới, không chỉ ở những nước có đủ phương tiện để chi trả", đồng thời cảnh báo dù các vaccine hiện nay hiệu quả đối với tất cả các biến thể, nhưng thực tế này sẽ nhanh chóng thay đổi.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ đưa ra cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine cho các nước nghèo tại hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận cách phục hồi sau đại dịch đang diễn ra tại Anh. Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động, cam kết của G7 trong năm nay và năm tới - bao gồm cả 500 triệu liều của Mỹ - vẫn là quá ít, quá muộn để chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,7 triệu người trên thế giới trong khi virus vấn đang tiếp tục biến đổi.
Dù xuất phát chậm, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành một trong những vùng được bảo vệ tốt hơn nhờ 4 loại vaccine đã được EMA phê chuẩn sử dụng khẩn cấp từ tháng 12/2020 là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Nhưng sự xuất hiện của rất nhiều biến thể đang đặt ra thách thức mới, đặc biệt là biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Bà Cooke cảnh báo: "Đến nay chúng tôi tin rằng các vaccine có thể kiểm soát được các biến thể hiện nay, nhưng điều này có thể nhanh chóng thay đổi". EMA đang phối hợp với các nhà sản xuất vaccine để đảm bảo có thể cải tiến các vaccine của họ nếu cần để thích ứng với tình hình mới.
Một vấn đề khác liên quan đến vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson, đặc biệt là những trường hợp hiếm gặp nhưng đã có ca tử vong vì xuất hiện huyết khối sau tiêm chủng. Trong khi đó, EMA cho biết đang cân nhắc gửi trả một lô vaccine của hãng Johnson & Johnson tại EU vì lý do thận trọng sau vụ nhầm nguyên liệu giữa hai loại vaccine ở một nhà máy sản xuất vaccine Johnson & Johnson tại Mỹ. Bà cũng bày tỏ hy vọng tình hình sẽ được giải quyết trước tháng 7 hoặc tháng 8 tới.