Giới chóp bu Cộng hòa nhìn nhận không có cơ hội để bác kết quả bỏ phiếu của đại cử tri. Tuy nhiên, một số nghị sĩ trong đảng, đứng đầu là hạ nghị sĩ Mo Brooks, vẫn có ý định tiếp tục chiến đấu nhằm phản đối kết quả bầu cử tại một số bang khi Quốc hội triệu tập phiên họp kiểm phiếu.
Theo luật pháp Mỹ, nếu có một thượng nghị sĩ Cộng hòa nào ủng hộ và tham gia nỗ lực khiếu nại của ông Brooks, Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ phải triệu tập hai phiên họp riêng để xem xét yêu cầu phản đối kết quả bầu cử, phiên họp toàn thể Quốc hội để kiểm phiếu đại cử tri sẽ bị trì hoãn.
Khi được hỏi về triển vọng của việc một số nghị sĩ Cộng hòa phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đại diện cho một số bang bị cáo buộc có gian lận, thượng nghị sĩ John Thune – Phó lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nói rằng hành động này sẽ không đi tới đâu.
“Mọi người có cơ hội để nêu phản đối, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn có một cách thức rõ ràng để xác nhận người thắng cử tổng thống. Đến nay, những bước xác nhận đã được tuân thủ đúng quy trình”, ông Thune phát biểu trước báo giới.
Trước câu hỏi liệu có thượng nghị sĩ nào khiếu nại cùng ông Brooks hay không, ông Thune nhìn nhận đây là thời điểm để đảng Cộng hòa thừa nhận kết quả bầu cử. Theo thượng nghị sĩ bang Nam Dakota, nhiều người có thể bực bội trước kết cục cuộc đua năm nay, nhưng một khi đại cử tri đoàn đã lên tiếng, thì đó là lúc cần chấp nhận kết quả.
Cùng quan điểm trên, thượng nghị sĩ John Cornyn, thành viên cấp cao đảng Cộng hòa cho rằng sẽ là “sai lầm” nếu các nghị sĩ của đảng phủ nhận, phản đối phiếu bầu của đại cử tri. Ông dự đoán nỗ lực này sẽ thất bại và chỉ trích ý tưởng của hạ nghị sĩ Brooks. Lý do là bởi phải có người thắng, kẻ thua và thực tế hiện nay đã rõ ràng.
Thượng nghị sĩ bang Texas dẫn chứng trường hợp của cặp đôi thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Stephanie Tubbs Jones từng nỗ lực cản trở phiếu bầu của đại cử tri trong năm 2004, khi cùng đứng đơn phản đối kết quả bầu cử ở bang Ohio, bang chiến địa mà ông George W. Bush giành chiến thắng. Thượng viện Mỹ sau đó đã kịch liệt phủ nhận khiếu nại này, với tỉ lệ phiếu bác bỏ/thuận là 74/1, với mình bà Boxer đứng ở thế đơn độc.
Giới lãnh đạo phe Cộng hòa dự đoán bất kỳ động thái “phản đối” phiếu bầu đại cử tri đều sẽ bị phủ quyết bởi lưỡng viện. Đưa tranh chấp phút cuối này ra chỉ lộ ra chia rẽ trong đảng. Bên cạnh đó là còn là cuộc bỏ phiếu để bầu ra hai thượng nghị sĩ ở bang Georgia trong ngày 5/1, một cuộc đua sẽ quyết định thế đa số tại Thượng viện. Nếu thắng cả hai ghế này, đảng Dân chủ sẽ nắm đa số tại Thượng viện.
Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell bảo lưu quan điểm rằng mọi tranh chấp, khiếu nại bầu cử cần phải được xử lý tại tòa. Nhưng cho đến nay, ông Trump và ê kíp đã phải chịu 61 thất bại pháp lý, với 2 phán quyết của Tòa án Tối cao liên bang và 59 quyết định từ tòa án tối cao bang.
Một thượng nghị sĩ Cộng hòa giấu tên cho rằng sự thật đã rõ, không có một tòa án nào đảo ngược kết quả cử tri đoàn sau bầu cử. Mọi nỗ lực nhằm phủ nhận phiếu của đại cử tri sau một loạt thất bại pháp lý của ông Trump vừa qua chỉ khiến đảng Cộng hòa tổn thất chính trị.
“Theo cảm nhận của tôi, những người khiếu nại về có gian lận bầu cử đều không tìm thấy con đường để đi tiếp. Đến thời điểm nào đó, tất cả đều phải nhận ra rằng thực tế là thực tế”, người này nêu quan điểm.